Ngày 22/10, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tuyên bố đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần thứ hai vắcxin chống virus Ebola - VSV-ZEBOV do Canada sản xuất trên người. Đây được coi là hy vọng mới của thế giới nhằm khống chế dịch bệnh nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của gần 4.900 người tại khu vực châu Phi. Bà Marie Paule Kieny, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách Hệ thống chăm sóc sức khỏe và Đổi mới trong lĩnh vực y tế thuộc WHO trong buổi họp báo về kết quả thử nghiệm vắcxin Ebola tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 21/10. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo NIH, trong số 39 người trưởng thành được chọn để thử nghiệm lâm sàng, mỗi người sẽ tiêm hai liều vắcxin chống virus Ebola và hiện đang theo dõi những phản ứng từ hệ miễn dịch. Đầu tháng 10, Viện nghiên cứu quân sự Walter Reed đã bắt đầu thử nghiệm riêng vắcxin VSV-ZEBOV với một liều duy nhất và kết quả rất khả quan khi nó không gây cho người dùng những triệu chứng ốm như bệnh nhân Ebola mắc phải.
Trước đó, VSV-ZEBOV đã được cơ quan y tế của Liên hợp quốc đánh giá là một trong hai vắcxin thử nghiệm có kết quả hứa hẹn khi thử nghiệm trên khỉ.
Một loại vắcxin khác do công ty GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) điều chế cũng đang được thử nghiệm trên người từ đầu tháng 9. Những kết quả ban đầu cho thấy loại vắcxin này an toàn và hy vọng sẽ có thể sản xuất vào cuối năm 2014.
Cũng trong nỗ lực của thế giới nhằm kiểm soát dịch bệnh Ebola đang có nguy cơ lây lan sang nhiều nước thế giới, ngày 22/10, Cuba đã cử một nhóm gồm 83 bác sĩ và y tá tới Guinea và Liberia nhằm giúp các nước này đối phó với nạn dịch nguy hiểm chưa có dấu hiệu được dập tắt.
Như vậy, tính đến nay, La Habana đã đưa tổng số 256 nhân viên y tế đến hỗ trợ các nước vùng dịch ở Tây Phi. Nhật báo Granma của Cuba cho biết riêng tại Sierra Leone, Cuba đã điều tới 165 chuyên gia y tế, nhiều hơn so với số chuyên gia được cử đến các nước Tây Phi khác. Cùng với Cuba, Burundi và Botswana tuyên bố sẽ viện trợ tài chính, trang thiết bị y tế và cử nhân viên hỗ trợ các nước nằm trong vùng dịch kiểm soát tình trạng lây nhiễm hiện nay.
Mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch Ebola như người bị lây nhiễm đầu tiên ngoài vùng châu Phi đã được chữa khỏi; không có ca lây nhiễm mới nào được ghi nhận tại Mỹ; giới nghiên cứu Pháp tìm ra phương thức xét nghiệm Ebola có kết quả gần như là tức thời..., song số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 22/10, cho thấy số người thiệt mạng do virus nguy hiểm này vẫn tăng, hiện đã có 4.877 người thiệt mạng trong tổng số 9.936 trường hợp nhiễm bệnh.
Liberia, Sierra Leone, Guinea là các quốc gia Tây Phi hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn dịch này. WHO cảnh báo, số người nhiễm có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 nếu thế giới không có các biện pháp kịp thời để dập dịch.
TTXVN/Tin tức