Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu về các quy tắc xuất xứ, quy định liên quan đến ngành hàng của mình để tận dụng lợi ích từ hiệp định này mang lại.
Doanh nghiệp còn thiếu chủ động
Chia sẻ tại buổi thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, hội nhập không chỉ đặt hàng hóa, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, cần vươn lên để đủ sức điều hành.
Chỉ 10 ngày sau Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Chính phủ đã phân công cụ thể công việc để việc thực thi được rõ ràng. Với khu vực doanh nghiệp, các cam kết mở cửa thị trường sẽ lớn hơn, yêu cầu các nước giảm thuế nhanh, mạnh cho hàng hóa Việt Nam; trong đó, có mặt hàng nông sản.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn. Quan trọng là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường. Sau đó, trong cạnh tranh doanh nghiệp cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ sang tích cực, chủ động.
Ông Khánh cũng chia sẻ, Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết và là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong thực thi CPTPP.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Thư ký của Hiệp hội Da giày cho biết, sự tăng trưởng, xuất khẩu của ngành da giày những năm gần đây khá đáng kể. Để đáp ứng CPTPP, Hiệp hội đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho doanh nghiệp thực thi. Tuy nhiên, theo khảo sát, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này. Doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin, nguồn nguyên liệu...
“Chúng ta có thể tự tin sản xuất giày thể thao nhưng thách thức là giày da. Để đáp ứng rào cản về thương mại, kỹ thuật, chúng ta cần có chiến lược. Câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thuở và Bộ Công Thương cũng đã ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng, không nhiều doanh nghiệp tận dụng được", bà Xuân nói.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP là "xương sống" của ngành dệt may Việt Nam nhưng "xương sống" không lôi được cả "cơ thể" vì cần có nền tảng.
Ông Giang cho rằng, sự chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng. Song, đi cùng đó, vai trò của Chính phủ phải hoạch định chính sách phát triển ngành. Một số địa phương “dị ứng” với ngành dệt may, đặc biệt ở lĩnh vực hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở và cho rằng dệt may là ô nhiễm. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sản xuất sơ sợi, vải, hóa nhuộm cũng chưa đáp ứng được…
Ông Vũ Đức Giang bày tỏ, định hướng của Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn lực rất cần thiết. Đặc biệt, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hóa nhuộm. Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hóa nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ba kiến nghị. Một là, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày. Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý để có sự thống nhất từ các cơ quan quản lý, địa phương…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng đề xuất: “Chúng ta cần quy hoạch cụ thể, cần đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền; thống nhất từ Trung ương tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Các ngành chức năng ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn; Bộ Công Thương cũng cần hỗ trợ kéo sợi, phát triển khu công nghiệp đầu tư nước thải...".
Chủ động có vai trò quyết định
Để tận dụng cơ hội xuất khẩu từ CPTPP, doanh nghiệp sẽ phải vượt qua các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật khác như xuất xứ hàng hóa…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam chủ yếu gặp rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm. "Chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện, cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại. Thị trường thế giới đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tem nhãn, xuất xứ hàng hóa... Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội".
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay, các quy định không phải là rào cản mà là vấn đề tôn trọng chung khi tham gia sân chơi.
Trong giai đoạn CPTPP vừa ký kết, cần phải phổ biến, tuyên truyền cho doanh nghiệp. Cục gửi và cập nhật hàng ngày các quy định trong CPTPP nhưng không biết các doanh nghiệp có đọc và hấp thụ được không.
Xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP đó là vấn đề thị trường. Doanh nghiệp có vai trò quyết định trong cuộc chơi; nhà nước có vai trò kiến tạo, xử lý những vấn đề mang tính quốc gia, thể chế. Do vậy, tính chủ động của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định.
CPTPP được xem là hiệp định tự do thế hệ mới “toàn diện” và “tiến bộ”. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, CPTPP chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới thể chế kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đang tuân thủ CPTPP nhưng cách tiếp cận chưa có sự đồng bộ, thống nhất.
Theo ông Hải, trong lĩnh vực này, hiện nay, bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn là chính chứ doanh nghiệp chưa có sự quan tâm. Do đó, song song với các bộ, ngành đưa ra định hướng tiêu chuẩn cốt lõi thì doanh nghiệp cũng cần sát cánh. Các cơ quan quản lý không thể nắm hết được và không phản ánh được tiếng nói của doanh nghiệp nên cần có sự cộng sinh, phối hợp hữu cơ từ doanh nghiệp.
Ông Hải đưa ví dụ, Bộ Khoa học và Công nghệ từng vận động được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn ISO trong ngành... Việc tham gia giữa bộ, ngành và các doanh nghiệp ngay từ những khâu ban đầu sẽ áp đặt được những mong muốn chung về tiêu chuẩn trong ngành…