Sáng 3/3, theo giờ Washington, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu kéo dài 50 phút trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó tập trung chỉ trích Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại hội nghị chính sách thường niên của Ủy ban các vấn đề chung Mỹ-Israel (AIPAC) diễn ra tại thủ đô Washington. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết, bất chấp các khuyến cáo của Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu đã dành gần như trọn vẹn thời gian bài phát biểu để chỉ trích Iran và kêu gọi Quốc hội Mỹ có hành động nhằm ngăn cản thỏa thuận hạt nhân mà Chính quyền Tổng thống Barack Obama cùng Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đang đàm phán với Tehran.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Israel cho rằng tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran đe dọa tới sự tồn vong của Israel, đồng thời cáo buộc Tehran ủng hộ thánh chiến và là nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Theo ông Netanyahu, một nước Iran vũ trang hạt nhân sẽ là mối đe dọa và dấu chấm hết cho hòa bình thế giới, do đó Mỹ, Israel và toàn thể thế giới cần phải đoàn kết để ngăn chặn “cơn ác mộng” này.
Về thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 đang theo đuổi, Thủ tướng Netanyahu đánh giá đó là “một thỏa thuận tồi” và sẽ “mở đường cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”. Ông cho rằng thỏa thuận trên chấp nhận hai bước nhượng bộ lớn. Thứ nhất là cho phép Iran duy trì “một hạ tầng hạt nhân qui mô lớn” vì thỏa thuận không yêu cầu Tehran phải phá hủy các cơ sở hạt nhân hiện nay, do đó Iran vẫn có thể vận hành các máy ly tâm.
Thứ hai là những giới hạn mà thỏa thuận đề ra sẽ “tự động hết hiệu lực” trong vòng 10 năm. Nhà lãnh đạo Israel cáo buộc thỏa thuận mà Chính quyền Obama đang theo đuổi “nhắm mắt làm ngơ trước sinh mệnh của một quốc gia. Nó không thể ngăn chặn con đường mà Iran đang theo đuổi để sở hữu bom hạt nhân”.
Bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ của Thủ tướng Israel Netanyahu là tâm điểm trong chuyến thăm “nhiều sóng gió và tranh cãi” này. Chuyến thăm đã châm ngòi cho căng thẳng giữa Chính quyền Barack Obama và Chính quyền Netanyahu, cũng như khiến quan hệ vốn đã rạn nứt giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa toàn quyền kiểm soát thêm sâu sắc.
Chuyến thăm của ông Netanyahu là theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner mà không tham vấn ý kiến của Tổng thống Obama. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, mạnh mẽ chỉ trích quyết định của ông Netanyahu, cho rằng bài phát biểu này tiêm nhiễm tính chất đảng phái vào mối quan hệ giữa Mỹ với Israel.
Cá nhân Tổng thống Obama phản ứng lại bằng việc tuyên bố sẽ không gặp ông Netanyahu trong thời gian Thủ tướng Israel có mặt tại Washington. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel khẳng định quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Israel “vẫn sẽ bền chặt” và ông “rất lấy làm tiếc” về việc chuyến thăm đã bị chính trị hóa. Ông cũng bày tỏ sự tôn trọng dành cho Tổng thống Obama và lên tiếng cảm ơn Quốc hội Mỹ vì đã sát cánh và ủng hộ Israel.
TTXVN/Tin tức