Những năm qua, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều dự án và bước đầu các dự án đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, địa phương luôn tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư. UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định bổ sung một số chính sách ưu đãi đầu tư, trọng tâm là hỗ trợ các nhà đầu tư về đất, đầu tư hạ tầng, chi phí san lấp mặt bằng và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Ban hành chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh.
Nhờ thủ tục đầu tư thông thoáng, hàng năm số doanh nghiệp trong KCN Thụy Vân (Phú Thọ) tăng lên, giúp hàng ngàn lao động có việc làm mới. |
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, sửa đổi hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Phú Thọ đã ban hành và triển khai chương trình hành động nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2011-2015; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghệp Việt Nam tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh…
Do làm tốt việc thực hiện các giải pháp nên môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh Phú Thọ đã và đang từng bước được cải thiện. Trong ba năm 2011-2013, Phú Thọ đã thành lập mới trên 1.400 doanh nghiệp (DN), nâng tổng số DN trên địa bàn lên 4.139 DN. Đến nay, Phú Thọ đã có 107 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 534,32 triệu USD (trong đó có 92 dự án với tổng vốn đầu tư 464,2 triệu USD đã hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 31.000 lao động); 228 dự án đầu tư tư nhân là các DN trong và ngoài tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng (trong đó có 148 dự án giá trị 8,7 tỷ đồng đã đi vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động). Tỷ lệ đóng góp vào GDP của kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 58%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8,3%.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết: “Xác định nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nên Phú Thọ đã tổ chức thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự án; tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để vận động các dự án ODA đầu tư vào tỉnh. Chủ động bố trí vốn đối ứng theo yêu cầu của nhà tài trợ, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả dự án; giữ mối quan hệ tốt với các nhà tài trợ lớn như WB, ADB, JICA. Đồng thời mở rộng vận động một số nhà tài trợ mới như Ấn Độ, Saudi Arabia, Hungary. Năm 2013 Phú Thọ đã triển khai 23 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 4.502 tỷ đồng; trong đó vốn nhà tài trợ 3.534 tỷ đồng, vốn đối ứng 9 tỷ đồng. Các lĩnh vực chủ yếu đầu tư là nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường”.
Trong những năm qua, Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác vận động, thu hút các nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài góp phần hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo tại các khu vực khó khăn của tỉnh, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân và đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị cơ sở. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được tiếp cận, mở rộng vùng hoạt động viện trợ. Công tác thẩm định, giải quyết các thủ tục phê duyệt, tiếp nhận các dự án, khoản viện trợ và quản lý, hướng dẫn người nước ngoài đến thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời giữ vững an ninh - chính trị trên địa bàn. Các dự án được thực hiện đảm bảo các yếu tố chính trị, kinh tế và an ninh. Hiện tại, có 35 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, giá trị viện trợ phi chính phủ năm 2013 ước đạt 3,3 triệu USD.
Để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thiện cho rằng Phú Thọ đang tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung hợp lý cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện rõ nét môi trường đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư. Tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án đang thực hiện đầu tư, nhất là dự án tiềm năng sớm hoàn thành đi vào sản xuất…
Bài và ảnh:Viết Tôn