Thực hư về gió độc

 
Dân gian vẫn hay nói về việc người này người kia bị trúng gió độc mà chết hoặc bị liệt mặt, mệt mỏi... Vậy có hay không các cơn gió độc, yếu tố nào tạo nên gió độc?


Châm cứu và chườm ngải cứu nóng giúp chữa phong hàn


Những biểu hiện khi bị trúng gió

Tại phòng khám Đông Phương Y Quán, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân đến châm cứu vì bị gió độc. Bác Nguyễn Thị Hiệp (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, mấy hôm trước đang ngồi chơi cùng mấy bà bạn trước cửa nhà, bỗng nhiên đứng dậy thấy choáng váng mặt mày, cảm thấy buồn nôn. Bà bước thêm mấy bước thì ngã sóng soài xuống đất. Khi người nhà đưa vào nhà nằm thì mặt bà bị méo dần sang bên trái, tay chân cứng không thể cử động.

Khi đến khám, GS.TS Dương Trọng Hiếu cho biết, bà bị trúng phong hàn. Để chữa cần phải châm cứu và chườm lá ngải cứu nóng lên mặt.

Nguyên nhân trúng gió do nhà gió lùa, đi chơi về khuya gặp lạnh, tắm khuya. Khi trúng gió độc bệnh nhân không có cảm giác gì nhưng sau đó sẽ có các biểu hiện bệnh rõ rệt như đau họng, nhai và nuốt khó, cơm mắc trong hàm, mắt nhắm không kín...Thậm chí có những người không phát hiện mình bị trúng gió độc mà chỉ đến khi bác sĩ khai thác mới hay. Vừa giải thích, y sĩ vừa dẫn chúng tôi gặp các bệnh nhân bị trúng gió với các biểu hiện bệnh khác nhau.

Không chỉ ở Việt Nam mới chú ý đến gió độc mà ở phương Tây cũng chú ý đến gió gây bệnh, tức gió lùa. Nếu nhà có thiết kế hai cửa, khi mở cửa trước và sau còn người ngồi ở giữa, lúc này người ngồi ở giữa rất dễ bị gió lùa gây ra xây xẩm mặt mày, choáng, ngất, thậm chí dẫn đến tử vong.

Không có cơn gió mang tên... độc

TS Phạm Đức Thi, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Môi trường cho rằng, trong chuyên ngành khí tượng thủy văn không có loại gió nào được gọi là gió độc hay mang tính chất là độc có khả năng làm ảnh hưởng đến con người như dân gian ta thường nói. Gió độc ảnh hưởng đến người ở đây chẳng qua là gió lùa mạnh làm cho sức đề kháng con người không thay đổi kịp mà phát bệnh.

Ví dụ, một căn nhà nhưng có hai cửa để song song nhau làm cho gió thổi vào mạnh. Lúc này, người trong nhà đang ở một trạng thái không khí bình thường nhưng đi qua vùng này sẽ bị đột ngột lạnh làm cơ thể không chịu được. Cùng lúc đó, nếu trong người có các căn bệnh khác sẽ dễ dàng tái phát. Trường hợp quá mức thì người khoẻ mạnh cũng bị ảnh hưởng.

Cũng theo TS Phạm Đức Thi, những cơn gió hút mạnh có thể nóng hoặc lạnh quá do bị áp lực sóng nhiệt khác nhau. Sóng nhiệt chính là có một đợt không khí do áp lực nhiệt độ cao hoặc áp lực nhiệt độ quá thấp tạo nên. Và những cơn gió này thường xuất hiện vào những lúc thời tiết thay đổi nóng hoặc lạnh đột ngột.

"Thời điểm đang giao mùa này cũng dễ gây nên các cơn gió lạnh so với không khí chung. Đó cũng là lý do hiện nhiều người bị trúng gió độc như dân gian thường nói. Vì thế, người dân cần chú ý tránh bằng cách tránh gió lùa vào nhà, đeo khẩu trang khi đi vào các ngõ gió lùa...", TS Phạm Đức Thi khuyên.


Nội phong kết hợp gió độc

Ở một quan điểm khác, GS.TS Dương Trọng Hiếu, chuyên gia hàng đầu về Đông y giải nghĩa: Đông y quan niệm, trúng gió độc hay trúng phong xuất phát từ các nguyên nhân từ khí hậu thời tiết với 6 yếu tố. Đó là lục dâm, tức phong, hàn, thử, thấp, tá, hỏa. Phong là gió, cũng là nguyên nhân đứng đầu trong các nguyên nhân gây bệnh thời tiết trái thường. Người ta thêm chữ tà tức là phong tà, không phải gió bình thường.

Đông y cũng nói trúng gió, tức gió quật vào người. Thực tế cho thấy, trong số 10 người cùng ngồi một chỗ nhưng chỉ có một người bị hiện tượng trúng gió mà thôi. Vì để bị trúng gió cần có hai yếu tố là ngoại phong (gió ở bên ngoài) và nội phong (gió ở bên trong cơ thể).

“Trong cơ thể con người có phần khí và huyết. Khí tức khả năng lưu thông và tạo thành gió. Khí lưu thông khi hỏa bốc lên mạnh. Điều này tương tự như một ai đó đốt đám lửa lớn. Ngọn lửa thường bốc và bị hút lên rất cao còn các luồng gió khác thổi đến. Điều này được lý giải chỗ nóng là nơi để các yếu tố lạnh dồn lại. Thế nên, trong cơ thể con người cũng tương tự: Nếu người nào đó bị uất ức lâu ngày sẽ hóa hỏa và “thiêu đốt” bên trong con người làm cho khí lưu thông mạnh tạo nên nội phong”, GS.TS Dương Trọng Hiếu phân tích.

Cùng lúc cơ thể có nội phong mà gặp cả ngoại phong thì có thể bị “quật ngã”. Các biểu hiện của việc này dân gian thường gọi là trúng phong hay trúng gió độc. Vì thế, gió độc hay tà khí được hiểu theo cách này chứ không phải là cơn gió độc theo nghĩa thông thường.

“Người khoẻ mạnh sẽ không bao giờ bị trúng gió độc. Tuy nhiên, nhiều người trông bề ngoài khoẻ mạnh nhưng thực ra đã âm thầm có các dấu hiệu bệnh lý bên trong mà bản thân người này chưa cảm nhận được mức độ bệnh lý. Điều này thể hiện rõ tại các phòng khám khi bệnh nhân đi khám hoặc làm các xét nghiệm mới phát hiện ra. Trường hợp có yếu tố bệnh bên trong cùng phong tặc bên ngoài thì mới làm nên trúng gió. Vì thế, để tránh gió độc đừng để sức toàn thân yếu. Bởi khi cơ thể yếu thì bất cứ bệnh gì cũng có thể quật ngã, trong đó có gió. Cần đóng bớt cửa có nguy cơ gió lùa. Tránh ngõ có gió thổi mạnh. Với các trường hợp bị trúng gió nhẹ có thể khắc phục bằng cách dùng ngải cứu hơ ấm chườm lên mặt luôn hoặc phải đến bác sĩ để châm cứu”, GS.TS Dương Trọng Hiếu khuyên.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN