Ngày 6/3/2012 một hội thảo mang tên:”Bảo tồn tinh hoa và phát triển thương hiệu thuốc nam” đã được báo KH&ĐS phối hợp với Công ty CP Nam Dược tổ chức. Cuộc hội thảo đã đưa đến cách tiếp cận mới trong việc khai thác thuốc nam và chữa bệnh cho người dân hiệu quả.
BS. TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, thế kỷ thứ 14, Việt Nam có Tuệ Tĩnh là nhà y học nổi tiếng và là ông tổ của thuốc Nam Việt Nam. Ông đã dạy chúng ta “ Nam dược trị Nam nhân”, nghĩa là người Việt Nam phải dùng thuốc Nam để chữa bệnh. Tuệ Tĩnh đã sưu tầm 580 vị thuốc Nam, lập ra 3932 phương thuốc Nam, để điều trị cho 184 loại bệnh. Ông đã viết cuốn sách “ Nam Dược thần hiệu”, có nghĩa là thuốc Nam chữa bệnh có hiệu nghiệm như thần.
Thế kỷ thứ 18 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà y học lỗi lạc của nền Đông y Việt Nam cũng đã sưu tầm, phát hiện thêm 305 vị thuốc Nam; thu thập 2854 bài thuốc Nam của các bậc tiền bối và trong nhân dân để chữa bệnh.
Qua các thời kỳ các bài thuốc chữa bệnh của ta cứ dày lên, nhiều lương y nổi tiếng như lương y Nông Văn Bút xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có vườn thuốc Nam có trên 300 loài cây làm thuốc quý như cây mua hoa trắng để điều trị viêm gan B, cây cựa gà để điều trị thoái hóa cột sống. Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, Khơ Me Nam bộ, dân tộc Thái , Mường, dân tộc Dao đỏ ở Tây Bắc đều có những cây thuốc, những bài thuốc quý để chữa bệnh cho dân tộc mình...
So với thuốc Tây y và thuốc Bắc thì thuốc Nam có thế mạnh riêng. Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó tổng GĐ Công ty CP Nam Dược, công ty duy nhất sản xuất thuốc nam được nhận giải vàng chất lượng năm 2011 cho biết, người dân Việt Nam thường "sính" thuốc tây vì nhanh khỏi. Cứ có dấu hiệu đau nhức, hắt hơi, sổ mũi là dùng thuốc Tây, điều đó là không tốt vì gây ra nhiều tác dụng phụ. Xu hướng thứ hai là dùng thuốc Bắc, nhưng chưa hiểu rằng thuốc Bắc tốt cho người bản xứ, còn đối với người Nam thì phải dùng thuốc Nam, bởi lẽ : Cơ thể con người là một khối thống nhất. Giữa con người với khí hậu và hoàn cảnh xã hội, phong tục địa phương, có những mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Người Việt phải dùng cây cỏ trên đất Việt mới hiệu quả, như lời của lưong y Tuệ Tĩnh.
Với nguồn thuốc Bắc, do Trung Quốc có lịch sử phát triển thuốc Bắc 4000 năm nên họ dùng thuốc nhiều, xuất khẩu nhiều. Khi nguồn dược liệu bị khai thác cạn kiệt thì chất lượng sẽ không tốt. Đó là chưa kể đến những nguyên liệu làm thuốc này khi sang Việt Nam đã bị tách mất hoạt chất, nhiều lô nguyên liệu khi được kiểm nghiệm chỉ đạt 10-20% hàm lượng, nên giá trị chữa bệnh không cao.
Thuốc Nam mới chỉ chiếm được 5-10% thị trường, còn lại là thuốc tây và thuốc Bắc. Ở Nhật tỷ lệ dùng đông dược chiếm 30-40%. Qua khảo sát của công ty CP Nam Dược thì đã có một lượng đông đảo người trẻ tuổi, nhân viên văn phòng đang dần chuyển sang dùng thảo dược chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, đây là tín hiệu đáng mừng đối với việc phát triển thuốc nam. |
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TƯ cho biết, thuốc Nam đặc biệt tốt với các bệnh mãn tính như viêm xoang. Hiện nay bệnh viêm xoang cấp và mãn tính rất phổ biến ở Việt Nam. Cái khó của bệnh là hay tái phát khi môi trường sống ô nhiễm, khi cơ thể suy yếu và thời tiết thay đổi. Nhược điểm của các loại thuốc Tây là đang trở thành nguồn nguyên nhiên liệu nuôi dưỡng sự tiến hóa của vi khuẩn kháng thuốc. Với bệnh viêm xoang, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc kháng sinh không làm giảm triệu chứng của bệnh mà làm cho bệnh tái phát nhanh hơn, do đó phải rất thận trọng khi điều trị kháng sinh. Theo bà Dinh, nếu người bệnh có niêm mạc mũi xoang chưa thoái hóa nhiều, lỗ thông chưa bít tắc thì điều trị nội khoa kết hợp dùng thuốc đông y cho kết quả tốt. Hiện nay có loại thuốc Thông xoang tán là bài thuốc gia truyền của lương y Trần Đồng (Hải Hậu, Nam Định) giúp co mạch, loãng chất nhầy làm thông mũi, chống viêm, chống nhiễm khuẩn, tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân viêm xoang rất tốt.
Theo PGS.TS Nguyễn Nhược Kim, trường ĐH Y Hà Nội, thuốc Nam hiện nay có nhiều dạng như thuốc bốc (bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc) nhưng cũng có viên nén, thuốc đắp, thuốc xịt...Dù là dạng thuốc gì thì với công nghệ hiện đại người ta cũng bảo tồn được gần như nguyên vẹn các hoạt chất trong thuốc. Với các bệnh mãn tính, bệnh tự miễn, người dân nên chuyển dần sang dùng thuốc Nam để tránh phản ứng phụ. Khi mua cần quan tâm đến uy tín nhà sản xuất và các chứng nhận của Bộ Y tế. Các thông tin ghi trên hộp thuốc và trong hướng dẫn sử dụng cần đọc kỹ để tránh nhầm lẫn.
P. V