Ngày 13/5, các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ đã đạt được một thỏa hiệp liên quan tới dự luật về Quyền thúc đẩy thương mại (TPA), hay còn gọi là trao đặc quyền đàm phán nhanh cho tổng thống.Đây là bước đi được nhìn nhận đã “mở ra cánh cửa” cho Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thúc đẩy,
Một phiên họp của Thượng viện Mỹ tại Washington. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chiều 13/5, sau 24 giờ thương lượng, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đạt được một thỏa hiệp theo đó đồng ý tiếp tục thúc đẩy dự luật Quyền thúc đẩy thương mại (TPA).
Thỏa hiệp này đạt được sau khi các nghị sỹ của đảng Cộng hòa đồng ý với đề nghị của các đồng nghiệp đảng Dân chủ đưa thêm một điều khoản về chương trình trợ cấp cho những người lao động có thể bị mất việc làm do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đổi lại, nhóm các nghị sỹ chống TPP thuộc đảng Dân chủ đồng ý tiến hành các cuộc bỏ phiếu riêng rẽ đối với hai dự luật mà trước đó họ muốn gộp vào một gói với TPA, bao gồm một dự luật về hải quan mà trong đó bao gồm vấn đề về thao túng tiền tệ và một dự luật về việc gia hạn Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9 tới.
Hai dự luật riêng rẽ này dự kiến sẽ được bỏ phiếu trong tuần này, và dự luật về TPA dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận chính thức trong tuần tới.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest bày tỏ lạc quan về khả năng TPA nhận đủ số phiếu ủng hộ theo quy định 2/3, tương đương với 60 phiếu trong 100 Thượng nghị sỹ.
Ông Earnest cho biết 10 trong số 14 Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ chống TPA mà Tổng thống Obama tiếp xúc trước đó một ngày đã bày tỏ ủng hộ việc Quốc hội trao cho Tổng thống quyền đàm phán nhanh.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã hứng chịu thất bại khi trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện chiều 12/5, dự luật TPA chỉ nhận được 52 phiếu ủng hộ, chưa đủ con số 60/100 phiếu cần thiết để đưa ra thảo luận chính thức.
Phần lớn các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ trong khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ, dưới áp lực của các tổ chức công đoàn, đã kiên quyết chống lại bất chấp lời kêu gọi của ông Obama.
Do đó, việc các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa hiệp trên được xem là "một bước đột phá" giúp dự luật TPA được đưa ra bỏ phiếu chính thức trước toàn bộ Thượng viện.
Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh để có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong hiệp định TPP.
Giới phân tích đánh giá giành quyền TPA là một “cuộc chiến” cam go của Nhà Trắng, đồng thời cuộc chiến này bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp. Trên thực tế, phần lớn những người ủng hộ trao TPA cho tổng thống là các nghị sĩ Cộng hòa, còn những người phản đối lại thuộc Đảng Dân chủ vì họ muốn đưa thêm điều khoản ngăn chặn việc thao túng tiền tệ và một số điều khoản khác vào hiệp định.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm nghe lén điện thoại của công dân
Trong một bước đi theo hướng cải tổ hoạt động của các cơ quan do thám và thực thi luật pháp, ngày 13/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật theo đó sẽ chấm dứt việc thu thập khối lượng lớn dữ liệu điện thoại của công dân Mỹ.
Dự luật "Đạo luật Tự do Mỹ" (USA Freedom Act) - được Hạ viện thông qua với 3 phiếu thuận và 88 phiếu chống - cấm các cơ quan do thám và tình báo của Mỹ, như Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), thu thập với khối lượng lớn dữ liệu từ điện thoại và các cuộc nói chuyện điện thoại của công dân Mỹ.
Các cơ quan này chỉ được phép tiếp cận các dữ liệu điện thoại và các hồ sơ khác của công dân khi tòa án phát hiện có sự nghi ngờ liên quan tới khủng bố quốc tế.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm nghe lén điện thoại của công dân được xem là một thắng lợi lớn dành cho những người ủng hộ quyền riêng tư và quyền công dân, vốn coi việc thu thập và lưu trữ số lượng lớn thông tin là hành động vi hiến của chính phủ.
Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng ủng hộ biện pháp cải cách này, cho rằng đạo luật sẽ bảo vệ quyền riêng tư nhưng vẫn đồng thời bảo vệ các thẩm quyền an ninh quốc gia thiết yếu.
Tuy nhiên, với việc có 47 Hạ nghị sỹ của đảng Cộng hòa cùng 41 đồng nghiệp đảng Dân chủ bỏ phiếu chống, dự luật này dự báo khó qua được "ải" Thượng viện, nơi nhiều nhà lập pháp chỉ muốn thay đổi chương trình thu thập dữ liệu điện thoại lớn hiện nay thay vì bỏ phiếu thông qua một dự luật mới.
Trước đó một ngày, chính quyền của Tổng thống Obama đã chính thức đề nghị Quốc hội Mỹ sớm phê chuẩn gói cải cách NSA, theo đó chấm dứt việc cho phép cơ quan này thu thập quy mô lớn các dữ liệu điện thoại của công dân, trong khi vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia.
TTXVN/Tin tức