Thủy điện - Hệ lụy từ việc phát triển “nóng”

Thủy điện liên tiếp sự cố, vỡ đập, mất an toàn, kém hiệu quả, tàn phá môi trường, phải loại bỏ… Đây là những vấn đề được nêu ra trong phiên thảo luận tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/10 về kết quả rà soát hệ thống thủy điện trong toàn quốc. Để xây dựng và phát triển thủy điện như thế nào cho hợp lý hiện đang là câu hỏi lớn.

Con số được Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo trước phiên họp khiến nhiều người phải lưu tâm: Số lượng thủy điện nhỏ chiếm đến 90% trong quy hoạch nhưng đóng góp về công suất chỉ 26%. Ngoài ra, thủy điện nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội. Kết quả rà soát cho thấy, đến tháng 9/2013, đã có 424 dự án bị loại bỏ, 136 dự án tạm dừng có thời hạn.


Cùng với việc khắc phục hậu quả bão lũ gây ra cho các địa phương miền Trung thì những ngày qua, một vấn đề lại gây nóng dư luận xã hội là sự mất an toàn của các hồ đập. Nêu cụ thể trường hợp dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A mà Chính phủ vừa quyết định loại khỏi quy hoạch, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân, đồng thời rút ra những những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ở tầm vĩ mô, cần phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về phương thức, quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp. Việc loại bỏ hai dự án này, nhiều đại biểu cho rằng, đã khẳng định thêm vai trò quan trọng của đánh giá tác động môi trường khi xem xét dự án thủy điện.


Cũng có ý kiến “phê” việc quản lý chất lượng công trình vừa qua hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể. Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ cũng chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đáng báo động; có gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Chưa kể, khi vận hành hồ chứa thủy điện, do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, nhiều công trình thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.


Lâu nay, việc phát triển các công trình thủy điện nói chung thường chỉ tính đến giải quyết việc đảm bảo nguồn điện năng trong quan hệ cung-cầu, ít có đánh giá tác động đến môi trường, có chăng thì chỉ tính đến diện tích ngập nước trong vùng lòng hồ, di dân tái định cư. Tình trạng phát triển "nóng" và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy lợi và nhất là các hồ chứa thủy điện của các thành phần kinh tế đang gây ra tình trạng hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác... Chính vì vậy, việc tổ chức đánh giá môi trường thủy điện để từ đó có cơ sở tính toán cẩn trọng hơn mỗi khi muốn triển khai xây dựng thêm các công trình thủy điện..., là một đòi hỏi hết sức cấp thiết.


Người dân ở nhiều nơi trên cả nước đã quá vất vả phải lo đối phó với nỗi lo bão lũ hàng năm. Giờ lại phải gánh thêm nỗi lo khi các hồ thủy lợi, thủy điện bất ngờ xả lũ... Bao giờ nỗi lo này chấm dứt là câu hỏi không dễ trả lời khi cách làm tùy tiện vẫn cứ tồn tại; khi lợi ích kinh tế của một nhóm người vẫn được đặt trên lợi ích của cộng đồng!

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN