Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), các khu vực chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, chợ buôn bán gia cầm là những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm H5N1. Qua lấy mẫu xét nghiệm, trung bình 100 chợ thì có 61 chợ phát hiện có virút cúm H5N1.
Gia cầm sống được bày bán tại chợ Thạch Bích, huyện Thanh Oai, Hà Nội. |
Chủ quan với dịch bệnh Hà Nội mặc dù chưa phát hiện có gia cầm nhiễm virút cúm H5N1 nhưng lại là một trong những nơi trung chuyển và tiêu thụ gia cầm lớn. Hiện mặc dù các cơ quan chức năng đang tuyên truyền mạnh mẽ về công tác vệ sinh an toàn giết mổ gia cầm nhưng tại nhiều khu chợ dân sinh trong và ngoài thành phố, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn trong giết mổ gia cầm vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Chợ Nguyễn Công Trứ (nằm giữa phố Nguyễn Công Trứ - Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong những nơi giết mổ, tiêu thụ gia cầm sống lớn trong thành phố. Trong chợ có gần chục hàng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khu vực bày bán gia cầm sống, gia cầm đã được chế biến và các loại thực phẩm chế biến sẵn khác được bố trí xen kẽ nhau.
Tại đây, hầu hết các hộ kinh doanh đều giết mổ tại chỗ cho khách mua gia cầm. Đa số người bán hàng, giết mổ gia cầm đều không dùng đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang. Lông vịt, gà được dồn thành đống ngay tại các quầy kinh doanh. Nước sôi để làm lông gia cầm, nước rửa đồ dùng được đổ trực tiếp xuống lòng đường, bốc mùi tanh hôi.
Một hộ kinh doanh gia cầm ở đây cho biết, các gian hàng được cán bộ thú y kiểm tra khoảng 3 - 4 lần/tháng. Nguồn cung gà được nhập về từ khắp nơi như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình. Đây có thể là nguồn lây lan dịch cúm gia cầm nếu không được kiểm soát chặt.
Tương tự, tại các chợ dân sinh trên các tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng... tình trạng bán gà, vịt lông, giết mổ tại chỗ cũng diễn ra phổ biến. Ngoài gà, vịt thì các loại chim như: bồ câu, chim cút... cũng được bày bán và giết mổ tràn lan.
Không chỉ có các chợ dân sinh ở nội thành, các chợ buôn bán gia cầm ở ngoại thành cũng trong tình trạng chủ quan với dịch bệnh. Chợ Thạch Bích (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nằm ngay ven đường quốc lộ 21B là một trong những trung tâm buôn bán gia cầm sống lớn ở ngoại thành Hà Nội. Trong khu vực chợ gần chục đại lý buôn bán gia cầm sống.
Tương tự như trong nội thành, hầu hết các cửa hàng kinh doanh bày bán gia cầm ngay sát lòng đường. Gia cầm được giết mổ tại chỗ nếu khách hàng có nhu cầu. Nước rửa gà, vịt được đổ trực tiếp xuống lòng đường. Khu vực giết mổ, lông, tiết... vương vãi khắp nơi. Đáng nói hơn, theo một số hộ kinh doanh ở đây, một số người tiêu dùng vẫn thường xuyên yêu cầu người chủ hàng đánh tiết canh vịt, ngan để đem về sử dụng.
Tăng cường kiểm soát
Tính đến nay trên cả nước đã có 2 người chết do nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm vẫn đang tiếp tục lây lan nhanh chóng. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, vừa có thêm một tỉnh ở phía Bắc xuất hiện cúm gia cầm H5N1 là Phú Thọ. Như vậy, cả nước đã có 67 ổ dịch tại 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1, số gia cầm mắc bệnh, chết là 63.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), thời tiết trong tháng 1-2/2014 lạnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để virút H5N1 tồn tại và lây lan. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2/2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1/2014 cho nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ vi rút cúm H5N1. Công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương. Trong đó, theo kết quả lấy mẫu giám sát lưu hành virút cúm gia cầm H5N1 của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), chợ chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm virút cúm lớn nhất thông qua các hoạt động mua bán gia cầm.
Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, qua giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành phố, tỷ lệ mẫu vịt dương tính với H5N1 chiếm gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virút H5N1 chiếm trên 61%. Ngoài ra, virút H5N1 tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Để hạn chế sự lây lan virút cúm H5N1 tại các chợ, Bộ NN&PTNT yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, điểm thu gom, tập kết gia cầm sống. Trong đó thường xuyên lấy mẫu giám sát và đóng cửa chợ định kỳ để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bố trí khu vực riêng biệt cho việc buôn bán và giết mổ gia cầm.
Theo ông Lê Xuân Viết - Trưởng Ban Quản lý chợ Hà Vỹ (Thường Tín), thực hiện yêu cầu của Cục Thú y, gia cầm được buôn bán tại chợ được kiểm soát chặt chẽ, gia cầm chết do vận chuyển đều được thu gom, tiêu hủy ngay lập tức. Ban Quản lý chợ tiến hành phun thuốc vệ sinh phòng dịch 2 lần/tuần và đóng cửa chợ 1 lần/tháng để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Bộ NN&PTNT đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” trong toàn quốc, triển khai từ 22/2 - 21/3. Cục Thú y cho biết, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ ở các địa phương là rất cao. Do đó, các địa phương phải tăng cường công tác giám sát để phát hiện và kiểm soát được dịch bệnh.
Bài và ảnh: H.V