Thời gian gân đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc Hà Nội dự kiến xây dựng cầu vượt (đường vành đai I) đoạn qua Ô Chợ Dừa đã “chạm” vào di tích Đàn Xã Tắc. Mặc dù, dự án đang trong giai đoạn trình phương án, thành phố Hà Nội cũng chưa đi đến quyết định cuối cùng, nhưng để đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhân dân, ngày 25/4 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã có Thông báo để làm rõ hơn những nội dung liên quan.
Theo đó, những ngày qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì nhiều cuộc họp để lắng nghe báo cáo tình hình triển khai dự án nút giao thông Ô Chợ Dừa với đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy; lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Quy hoạch Kiến trúc, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội; đại diện UBND quận Đống Đa; Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn thiết giao thông vận tải (TEDI); Công ty tư vấn đầu tư xây dựng CCIC và Văn phòng UBND thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã kết luận: Việc triển khai xây dựng nút giao thông khác mức, trực thông theo hướng vành đai I tại nút giao thông Ô Chợ Dừa theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09/7/2008 và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị hiện nay.
Thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao, chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn là Công ty tư vấn đầu tư xây dựng CCIC đã tích cực tổ chức thiết kế, đưa ra nhiều phương án ngầm, nổi khác nhau để xem xét và lựa chọn phương án tối ưu; phương án lựa chọn nhìn chung đã cơ bản đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và giao thông, không xâm hại đến khu vực bảo tồn di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 15/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 7/12/2007 và đảm bảo hài hòa không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực dấu tích Đàn Xã Tắc và các công trình kiến trúc trong khu vực. Phương án đã được thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận tại các văn bản: số 2461/BVHTTDL-DSVH ngày 3/8/2011, số 2511/BVHTTDL-DSVH ngày 25/7/2012 và ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải tại Văn bản số 7375/BGTVT-KHĐT ngày 6/9/2012.
Qua xem xét các phương án thiết kế cụ thể và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà sử học, các nhà văn hóa, các ý kiến đóng góp qua công luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chủ tịch UBND thành phố giao: Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn phối hợp với các sở: Quy hoạch, Xây dựng, UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện và lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo đúng quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật, xây dựng, giao thông đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc; tôn tạo khu dấu tích, hài hòa cảnh quan kiến trúc và đảm bảo điều kiện sống của các nhà dân trong khu vực, đồng thời vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và có thể đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc lâu dài; tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa, ý kiến cộng đồng; xin ý kiến thỏa thuận của các bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải và Xây dựng, sớm trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 5/2013; công bố công khai quy hoạch trước khi triển khai xây dựng theo quy định.
Nguyễn Văn Cảnh