Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định có vị trí chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9,
Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về những thành tựu, khó khăn, thách thức thời gian qua và các giải pháp về công tác dân tộc trong giai đoạn tới.* Phóng viên: Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết những thành tựu nổi bật về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm tạo sự đổi thay trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số?* Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án nhằm phát triển toàn diện vùng dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, chỉ đạo quyết liệt chương trình hành động công tác dân tộc toàn khóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tham mưu xây dựng tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách quan trọng. Nhờ vậy, nhiệm kỳ qua, công tác dân tộc đạt được nhiều thành tựu quan trọng và chuyển biến tiến bộ, nổi bật là: Lần đầu tiên tham mưu giúp Đảng, Nhà nước tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, năm 2010; lần đầu tiên ngành có Nghị định số 05 về công tác dân tộc; có chiến lược và chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; biên soạn sách lịch sử 65 năm cơ quan công tác dân tộc; tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá chính sách dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2012; xây dựng Đề án thành lập Học viện Dân tộc; thực hiện Chương trình Khoa học công nghệ cấp quốc gia (gọi là Chương trình Khoa học dân tộc). Trong nhiệm kỳ qua, lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc tổ chức Đoàn đại biểu 54 dân tộc thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa; tham mưu với Bộ Chính trị (khoá X) ra Kết luận số 57 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về công tác dân tộc; Nghị định 84 nhiệm kỳ 2011 - 2016, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1971 về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 28 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; xây dựng công trình Trụ sở Ủy ban Dân tộc...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thông qua hệ thống chính sách dân tộc, với sự ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách các địa phương; sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức quốc tế; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc đã góp phần làm thay đổi quan trọng bộ mặt vùng dân tộc và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc được nâng cao. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi được cải thiện rõ rệt, 98,6% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,8% số xã và 95,5% số thôn có lưới quốc gia điện. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm bình quân 3-4%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 ở vùng Đông Bắc ước giảm 3,0 %, Tây Bắc giảm 3,5%, Bắc Trung Bộ giảm 2,7%, Tây Nguyên giảm 2,7%, Đông Nam Bộ giảm 2,1%, Tây Nam Bộ giảm 2,4%.
Công tác giáo dục có nhiều tiến bộ: 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học; nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư; hiện có 99,39% xã có trạm y tế; 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đồng bào được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản; đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế.
Giá trị văn hóa vùng dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa-nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam được quan tâm tổ chức. Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn đã có sự phát triển.
Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc và miền núi cơ bản được ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, đâu là những khó khăn, thách thức cần kịp thời tháo gỡ trong việc thực hiện công tác dân tộc?
* Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Những năm qua, mặc dù công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng vùng dân tộc và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn; là lõi nghèo của cả nước. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hệ thống chính sách đã ban hành còn chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện chính sách trên cùng một địa bàn. Đồng thời, hệ thống chính sách ban hành chưa đồng bộ và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Chính sách có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, do chính sách ban hành theo nhiệm kỳ; có chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức và một số cơ chế không còn phù hợp với thực tế. Cơ chế thực thi chính sách phức tạp và thiếu sự đồng bộ, thể hiện ở khâu tổ chức quản lý thực hiện. Nhiều chính sách ban hành chưa phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, vùng, miền. Điều này thể hiện ở chỗ, vùng dân tộc thiểu số có những điểm đặc thù về địa hình, khí hậu, tập quán, thói quen sinh hoạt cũng như sản xuất. Do đó các chương trình, chính sách nếu không nghiên cứu kỹ đến những đặc điểm này sẽ không khả thi.
Trưởng bản Giàng Seo Lồng xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đưa các em học sinh đến lớp. Ảnh:Văn Tý - TTXVN |
Nguồn lực bố trí thực hiện chính sách còn hạn chế, không đáp ứng các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách tính bình quân đến thời điểm hết hiệu lực chưa được 50%, một số chính sách được ban hành nhưng không được phân bổ vốn để thực hiện; vì vậy, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chương trình, chính sách.
Việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương chưa được đảm bảo. Chưa có cơ chế khuyến khích cho các địa phương tự cân đối được nguồn lực bố trí vốn để thực hiện các chính sách phù hợp với thực tế. Vì vậy, các chính sách đến năm 2015 hết hiệu lực, nhưng mục tiêu của chính sách còn lớn, trong khi khoảng cách giàu -nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân tộc ngày càng lớn. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiều nơi tỷ lệ giảm nghèo vẫn còn trên 50%.
Chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng như: giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ công còn hạn chế; đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu và chất lượng chưa cao…
* Phóng viên: Hiện nay, vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng hết sức khó khăn, công tác dân tộc trong giai đoạn tới được thực hiện thế nào, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?
* Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Để phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững vùng dân tộc và miền núi, góp phần khắc phục các hạn chế, bất cập và những khó khăn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhằm thực hiện chính sách dân tộc nhất quán của Đảng: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, trong thời gian tới tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc.
Tiếp tục nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; các cấp, các ngành chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện; nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác dân tộc; quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc và miền núi; đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, thời cơ khó khăn, thách thức, dự báo các xu thế biến đổi, để xây dựng chính sách dân tộc phù hợp, có chất lượng, hiệu quả; rà soát, bổ sung và đổi mới toàn diện hệ thống chính sách dân tộc mang tính đồng bộ, chiến lược lâu dài; xây dựng chính sách đặc thhù đối với các dân tộc thiểu số rất ít người.
Từng bước giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp chuyển sang chính sách đầu tư cho cộng đồng. Cơ cấu lại các chương trình, chính sách, thu gọn thống nhất đầu mối quản lý để tránh chồng chéo, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả làm rõ trách nhiệm của các ngành liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc; phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương. Thành lập học viện dân tộc, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc và miền núi. Quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường. Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo an ninh-quốc phòng vùng dân tộc và miền núi; cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực phản động lôi kéo, kích động đồng bào gây rối trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Tăng cường và củng cố hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Với chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và Kết luận số 57 của Bộ Chính trị khóa X về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị định số 05 của Chính phủ về công tác dân tộc; Quyết định 449 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định 2356 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thể chế hóa những quan điểm ưu tiên thành cơ chế, chính sách cụ thể. Xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Dân tộc với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc. Tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục thực hiện Chương trình 135. Tập trung ưu tiên các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện chính sách thông qua kết nối các chính sách hiện hành trong một dự án, mô hình phù hợp với từng vùng, miền, phạm vi quy mô thôn, bản, nhóm hộ, bảo đảm thiết thực và hiệu quả.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.