Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014:

Tiếp tục hạ lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014 diễn ra chiều qua (28/2), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, bảo đảm điều tiết lượng cung tiền hợp lý để kiểm soát lạm phát thấp hơn; trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.


Trong 2 tháng đầu năm, đã có gần 11.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 63.000 tỷ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và 28,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tuy giảm so với tháng trước (chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài) nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng khá cao (15,2%). Tính chung 2 tháng đầu năm tăng 5,4%. Tình hình sản xuất kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.


Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Chính phủ cũng ghi nhận, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Theo đó, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ.


Một tín hiệu khác cho thấy sự khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng thấp, tổng dư nợ tín dụng giảm. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, đối với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo cần đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm mục tiêu dư nợ tín dụng đề ra phân bổ đều trong các tháng, không để dồn vào cuối năm. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp với quy mô, đối tượng, thời hạn hợp lý và lãi suất thấp.


Đối với điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, Bộ trưởng Nguyễn Văn nên lưu ý, Ngân hàng Nhà nước cần bảo đảm điều tiết lượng cung tiền hợp lý để kiểm soát lạm phát thấp hơn (khoảng 6%) trong năm 2014; trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Duy trì ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối.


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,55%, 2 tháng tăng 1,24%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát là một trong những yếu tố cho thấy kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, ổn định hơn nhưng lại gây ra lo ngại về sức cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, CPI tăng thấp không hẳn là do cầu yếu.


“Khi báo cáo về CPI thì các chuyên gia, các thành viên Chính phủ cũng đặt vấn đề có phải do cầu thấp, sức mua thấp hay lý do nào đó thì có thể nói không hẳn như vậy. Các ý kiến thảo luận cho rằng, thời gian qua hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả phải chăng và sức mua, nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm hiện nay cũng có giới hạn so với trước. Vì vậy, nói chắc chắn là nguyên nhân nào dẫn đến CPI tăng thấp thì các cơ quan chức năng, chuyên gia tiếp tục nghiên cứu. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, CPI tăng thấp không phải do cầu yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.


T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN