Cảng cạn là “mắt xích” quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian lưu hàng. Tuy nhiên lâu nay, hệ thống cảng này vẫn chưa được đầu tư hợp lý để khẳng định vị trí độc lập của mình.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Hồng Thái khẳng định: Cảng cạn là điểm nối giữa một bên là nơi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa xuất nhập khẩu với một bên là cảng biển, đóng vai trò trung tâm tiếp nhận, bảo quản, phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, hệ thống các cảng cạn trong cả nước hiện nay chưa phát huy tốt khả năng, hầu hết là “sân sau” của các cảng biển, các công ty giao nhận, vận chuyển và phát triển chủ yếu ở miền Nam, nhỏ lẻ ở miền Bắc và hoàn toàn chưa có ở miền Trung.
Hiện tại, miền Nam có các cảng cạn: Phước Long, Transimex, Tây Nam, Tân Tạo (ở TP Hồ Chí Minh); Sóng Thần ở Bình Dương; Biên Hòa, Đồng Nai (ở Đồng Nai) và tại Long An, Cần Thơ mỗi tỉnh có một cảng cạn. Miền Bắc có 3 cảng cạn: Gia Lâm (Hà Nội), Thụy Vân (Phú Thọ) và cảng cạn Hải Dương. Ngoài ra, một số tỉnh thành khác như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... đang xây mới cảng cạn.
Thực tế, các cảng cạn tại phía Nam đang phát huy hiệu quả nhất. Do khối lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực này chiếm đến 80% lượng hàng hóa của cả nước. Các cảng này được nối liền với cảng biển bằng cả hệ thống giao thông thủy, bộ, nên phát huy được vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cảng biển. Trong khi đó, các cảng tại miền Bắc chỉ kết nối duy nhất với đường bộ, mà chưa có sự kết nối với đường thủy. Đây là bất cập lớn nhất khiến cảng cạn miền Bắc khó phát triển, phạm vi hoạt động hạn chế, chủ yếu cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ và cho thuê kho bãi.
Còn theo các chuyên gia cảng biển, hệ thống cảng cạn của cả nước hiện nay có điểm chung là trang bị các thiết bị xếp dỡ chuyên dụng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, việc sắp xếp hàng hóa trong kho bãi chưa khoa học, nên chưa nhanh chóng giải phóng được hàng hóa từ cảng vào nội địa. Bên cạnh đó, cảng cạn “mọc lên” chủ yếu ở những vị trí quá gần các cảng biển, nhưng lại cách xa các khu công nghiệp, khu chế xuất, nên khó tập trung nguồn hàng, chưa giảm được giá thành vận chuyển...
Một thực tế nữa là lâu nay, Bộ GTVT chủ yếu đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận), song hiệu quả dịch vụ này chưa cao. Hệ quả là quá trình kết hợp chức năng của các trung tâm logistics với các cảng cạn như: Vận tải/kho vận, phân phối/thu gom hàng hóa, thông quan nội địa... chưa được phát huy.
Ông Đỗ Hồng Thái cho biết thêm: Trong quy hoạch cảng cạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng cạn phải được kết nối với ít nhất 2 phương thức vận tải. Trong khi đường thủy nội địa phải phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thì phương thức vận tải thứ hai chắc chắn sẽ là đường sắt. Tuy nhiên, quy hoạch hạ tầng đường sắt hiện có quá nhiều tồn tại. Do đó, quy hoạch mới chỉ xác định khu vực dự kiến hình thành cảng cạn, chứ chưa xác định vị trí cụ thể. Trong khi đó, nhu cầu giải phóng, trung chuyển container hàng hóa qua cảng biển đòi hỏi thời gian vận chuyển phải nhanh, diện tích kho bãi phải rộng...
Không thể thiếu cảng cạn
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển Việt Nam) cho biết: Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển và hệ thống các kết cấu hạ tầng khác. Do đó, có thể nói các cảng cạn thực chất là sự mở rộng của các cảng biển.
Theo quy hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2016, sẽ ưu tiên phát triển các cảng cạn để hỗ trợ cho cảng biển khu vực Hải Phòng và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến năm 2020, hình thành hệ thống 13 cảng cạn đạt công suất khoảng 6 triệu TEU/năm (một TEU tương đương một container 39 m3), trong đó: Miền Bắc đạt 1,2 triệu TEU/năm, miền Trung 600.000 TEU/năm và miền Nam 4,2 triệu TEU/năm. Trong đó, miền Bắc hình thành 5 cảng cạn tại khu vực kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai; hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn; khu vực kinh tế tây bắc Hà Nội; khu vực kinh tế đông nam Hà Nội. Miền Trung - Tây Nguyên hình thành 5 cảng cạn tại khu kinh tế Nghi Sơn; hành lang kinh tế đường 8, đường 12A; hành lang kinh tế đường 9; khu vực kinh tế Đà Nẵng - Huế; hành lang kinh tế đường 19. Miền Nam hình thành 3 cảng cạn tại khu vực kinh tế đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực kinh tế tây nam Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến Hiếu