Nhiều năm qua, sản lượng nông sản của nước ta liên tục tăng nhanh nhưng thu nhập của nông dân chưa được cải thiện tương ứng, nhất là những hộ gia đình thuần nông. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp mới chỉ tập trung vào số lượng, mà chưa quan tâm nhiều tới chất lượng nông sản.
Không nhất thiết phải trồng lúa
Để tăng thu nhập và đời sống cho người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã trình và được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục đích chính của đề án là nâng thu nhập của người nông dân và đưa nông nghiệp tiến lên một tầm cao mới, góp phần đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình bà Hoàng Thị Đại, xã Gia Cát (Lộc Bình, Lạng Sơn), mỗi năm lãi hơn 70 triệu đồng. Vũ Sinh - TTXVN |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, “Việc tái cơ cấu lần này là để rà soát lại toàn bộ ngành nông nghiệp. Thay vì trồng nhiều lúa gạo như trước, thì nay cân nhắc lại để tập trung vào những lĩnh vực mà người dân có thể thu được lợi nhuận nhiều nhất”.
Để tăng thu nhập và đời sống cho người dân, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất lúa. Thay vì sản xuất lúa hàng năm, có thể sử dụng linh hoạt các cây trồng khác để đạt các mô hình 100 - 200 triệu đồng/ha hoặc cao hơn, thay vì chỉ đạt 60 triệu đồng/ha như trồng lúa hiện nay. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ cho chuyển đổi 300.000 ha không trồng lúa, vẫn giữ 3,8 triệu ha đất sản xuất lâu dài nhưng có thể không trồng lúa.
Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, ngành trồng trọt xác định đây là lĩnh vực rất quan trọng vì đa số nông dân vẫn thu nhập dựa vào trồng cấy. Do vậy, mục tiêu của tái cơ cấu lần này trọng tâm là tăng thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng, sau đó là năng suất.
Thực tế, sản xuất nhiều chưa chắc đã đem lại hiệu quả cao. Sản lượng gạo thế giới tăng khá mạnh sau thời kỳ giảm sút năm 2008. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường gạo thế giới lại chững lại. Một lượng gạo khổng lồ hiện đang nằm trong các kho chứa. Những thị trường lớn như Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ gạo ở cả đô thị lẫn nông thôn. Do vậy, giá trị của gạo bị giảm sút nhiều.
“Các nước đều phải chú ý nhìn lại chiến lược của mình về định hướng lúa gạo. Chúng ta có lợi thế so sánh về lúa gạo, nhưng xét về khía cạnh lợi nhuận, thu nhập của người nông dân phải tính toán cẩn thận lại. Đây là một điểm mấu chốt trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp lần này”, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nhận định.
Bên cạnh đó, tồn tại lớn nhất của ngành trồng trọt hiện nay là khâu chế biến. Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê đứng hàng đầu thế giới nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô. Vì vậy, cần phải phát huy cả sức mạnh của nông dân, doanh nghiêp để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng
Mặc dù là nước nông nghiệp lâu đời, nhưng bấy lâu nay chúng ta vẫn sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, không thể tạo ra thu nhập cao cho người nông dân. “Vì vậy, việc tái cơ cấu lần này sẽ tập trung vào công tác thu hoạch, đầu tư khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Liên kết nông dân và doanh nghiệp để tạo ra thu nhập cao hơn cho người nông dân”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhất mạnh.
Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp bình quân đạt từ 2,6 - 3%/năm trong giai đoạn 2011- 2015, từ 3,5 - 4%/năm trong giai đoạn 2016- 2020, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn.
Đối với ngành trồng trọt, đến năm 2020 tăng trưởng đạt 2,5%, và kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ USD. Ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 6% năm, trong đó giá trị tăng trưởng thủy sản tăng 3% năm. Phấn đấu đến năm 2020 doanh thu từ thủy sản cao gấp 2,5 lần so với năm 2010. |
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp cho rằng, các tỉnh, thành phố phải rà soát để tìm ra lợi thế của riêng địa phương mình. Sau đó tổ chức phát triển sản xuất theo chuỗi, tức là gắn kết doanh nghiệp và người nông dân. Phát triển khoa học công nghệ vì đây là thứ tài nguyên vô hạn. Tạo điều kiện cho các cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất thực tế.
Ngoài ra, “Chúng ta phải có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp. Vì đây là một nguồn lực lớn mà chúng ta chưa tận dụng được. Đưa lực lượng khoa học, cán bộ xuống địa phương, cùng với nông dân tham gia sản xuất”, ông Sơn nói.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Ngành nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, định hướng chung là sẽ giảm diện tích đất lúa, đặc biệt là diện tích đất lúa kém hiệu quả. Vẫn xác định lúa là cây trồng quan trọng và là lợi thế của nước ta nhưng sẽ sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng”.
Nhóm cây công nghiệp cũng được xác định là nhóm cây quan trọng, tăng thu nhập cho người nông dân. Do vậy, “Chúng ta sẽ tăng diện tích trồng cao su từ 920.000 ha lên 1 triệu ha; chè tăng 10.000 ha lên 15.000 ha; tăng diện tích các vùng hoa mầu. Đặc biệt là quan tâm tới cây ngô, tăng diện tích trồng ngô từ 1 triệu lên 1,5 triệu ha. Vì hiện mỗi năm nước ta nhập 1,5- 1,7 triệu tấn ngô”.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, lâu nay chúng ta chạy theo độ che phủ mà chưa thực sự quan tâm tới lợi nhuận cho dân. Do vậy, “Kể cả trồng rừng phòng hộ cũng phải tạo ra lợi nhuận cho dân. Ngoài ra, cần đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến để góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả từ tài nguyên rừng thay vì cứ xuất khẩu gỗ thô và sơ chế như hiện nay”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành sẽ giảm tỉ trọng khai thác ven bờ, tăng tỉ trọng khai thác thủy sản đánh bắt xa bờ và tỉ trọng nuôi trồng thủy sản; áp dụng KHCN vào tổ chức sản xuất để giảm tổn thất sau thu hoạch, hiện đại hóa trang bị máy móc tàu thuyền cho thu hoạch xa bờ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Lãnh đạo các địa phương phải luôn đặt câu hỏi - làm gì để có lợi cho người nông dân nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Làm thế nào để phát huy được lợi thế của địa phương mình, và thay vì chạy theo số lượng thì phải nâng cao chất lượng, tạo ra thu nhập cao hơn cho người nông dân”.
Lê Sơn - Hữu Vinh
Bài cuối: Gắn nông dân vào chuỗi sản xuất hàng hóa lớn