Quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu của Chính phủ để giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ lúa hàng hóa và đảm bảo nông dân có lãi đã thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai thu mua lúa gạo vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, trong khi nhà nông đứng ngồi không yên vì lúa không bán được thì doanh nghiệp vẫn “đủng đỉnh” thu mua.
Tiến độ thu mua chậm, giá giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến thời điểm 30/6, các doanh nghiệp mới chỉ thu mua được hơn 150.000 tấn quy gạo, đạt khoảng 15% tổng lượng gạo được giao tạm trữ trong vụ hè thu. Trong khi đó, sản lượng vụ hè thu năm 2013 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt khoảng 9,3 triệu tấn lúa, tương đương hơn 4,6 triệu tấn gạo. Nguồn cung gạo lớn trong khi lượng gạo được thu mua tạm trữ còn hạn chế khiến cho mục tiêu cứu giá lúa không dễ thực hiện.
Thời tiết bất lợi gây nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu 2013 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù việc thu mua tạm trữ đã được thực hiện nhưng giá lúa không những không tăng mà còn bất ngờ giảm. Cụ thể, tại nhiều tỉnh như: Đồng Tháp, Long An…, thương lái thu mua lúa IR 50404 tươi giá chỉ còn 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa hạt dài cũng giảm 200 đồng/kg còn 6.400 - 6.500 đồng/kg lúa khô so với thời điểm bắt đầu triển khai thu mua tạm trữ (15/6). Nguyên nhân do sức tiêu thụ giảm mạnh, doanh nghiệp và thương lái chậm chạp thu mua.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cho biết, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu mua tạm trữ phải bán bớt gạo tồn để lấy kho chứa gạo mới. Tuy nhiên, do vụ đông xuân, doanh nghiệp đã “lỡ” mua gạo dự trữ vào với giá cao nhưng hiện giá bán ra đang thấp nên doanh nghiệp rất khó đẩy mạnh tiêu thụ lượng hàng tồn kho và khả năng mua thêm gạo vụ hè thu cũng khó khăn. “Chúng tôi hiện tồn kho 50.000 tấn gạo, cần phải xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Nhưng giá xuất khẩu hiện nay rất thấp và nếu bán gạo trong thời điểm này, công ty sẽ chịu lỗ khoảng 35 USD/tấn. Vụ hè thu năm nay, chúng tôi được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 12.000 tấn gạo nhưng chất lượng gạo của nhà nông lại thấp, khó đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu”, ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Tổng giám đốc Công ty Lương thực, thực phẩm Vĩnh Long lý giải.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, tỉnh có 4 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 15.000 tấn quy gạo, tuy nhiên do tồn kho gạo từ vụ đông xuân lớn, nay lại phải tiếp tục thu mua gạo vụ hè thu nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì không có đủ kho chứa.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết không thuận lợi đang khiến việc thu hoạch lúa hè thu khó khăn hơn. Vừa qua, do mưa kéo dài kèm theo gió to đã khiến cho nhiều cánh đồng lúa chín ở khu vực ĐBSCL bị ngập nước, lúa ngã đổ, gây rất nhiều khó khăn cho việc thu hoạch cũng như phơi sấy, bảo quản lúa. “Gia đình tôi canh tác hơn 1 ha lúa. Mưa nhiều làm cả cánh đồng bị ngập. Không thể đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, gia đình bắt buộc phải thuê mướn lao động tay chân thu hoạch, thuê ghe vận chuyển lúa về lò sấy, tăng tổng chi phí thêm hơn 10 triệu đồng”, anh Trương Vĩnh Hùng ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) lo lắng.
Khơi thông thị trường xuất khẩu
Để đẩy mạnh thu mua tạm trữ lúa gạo, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang đề xuất: Bộ Công Thương cần tập trung các giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu, nhất là cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị lớn của Việt Nam như lúa gạo và thủy sản. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng phát triển thêm các chuỗi liên kết gắn vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến với tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, trong điều kiện xuất khẩu lúa gạo vẫn gặp khó khăn lớn do giá giảm, việc sớm ban hành Quy hoạch đầu mối xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương sẽ giảm bớt sự cạnh tranh không cần thiết giữa các doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu lúa gạo.
Theo các chuyên gia kinh tế và ý kiến của nhiều địa phương, để hỗ trợ tốt hơn cho nông dân lẫn doanh nghiệp, cần kéo dài thời hạn hỗ trợ lãi suất cho vay tạm trữ lúa gạo. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng tham gia tạm trữ thông qua việc tăng lượng doanh nghiệp bên ngoài Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhằm tăng nguồn lực cho thu mua lúa gạo. Ngoài ra, các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch dài hơi giúp doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích kho bãi.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa - Hồng Nhung