Tìm lại con chữ trên vùng cao Pú Đao

"Hút - thuốc - lá - có - hại - cho - sức - khoẻ; Hút - thuốc - lá - có - hại - cho - sức - khoẻ...". Hơn 9 tháng nay, tối nào cũng vậy, bà con sinh sống ở hai bản Nậm Đắc và Nậm Đoong, xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, đều nghe thấy những tiếng đánh vần từng từ vọng ra từ lớp học xóa mù chữ dành cho những “học sinh” ở độ tuổi làm ông, bà, cha, mẹ.

19 giờ, tại điểm trường bản Nậm Đắc, ánh điện lờ mờ hòa quyện với sương núi của vùng cao nơi người Mông sinh sống làm cho cái rét càng thêm tê buốt. Thế nhưng, trong lớp, những học sinh lớn tuổi vẫn cặm cụi đánh vần học chữ. Toàn bộ học sinh của lớp học này đều đã có gia đình và phần đa là học sinh lớn tuổi, thậm chí lớp còn có nhiều cặp vợ chồng già đã là ông bà nội, ngoại. Có người đang trong thời gian đợi lâm bồn, có người thì địu con, người khác lại tay bồng tay bế… tất cả đều chăm chú, tập trung vào bài giảng của thầy cô. Phía bên ngoài cửa sổ, nhiều đứa trẻ đứng chờ bố mẹ, ông bà tan lớp để cùng về...

Những người đã bước sang tuổi ông, bà vẫn ham học.


Điểm trường bản Nậm Đắc tổ chức 2 lớp học xóa mù cho bà con dân tộc Mông tại hai bản Nậm Đắc và Nậm Đoong, những lớp học duy trì đều đặn 5 buổi/tuần, từ 19 - 21 giờ. Đây là những lớp xóa mù đầu tiên trong 10 năm trở lại đây cho người dân địa phương, do Trường Tiểu học Pú Đao mở. Cô Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pú Đao cho hay, ở xã Pú Đao, nhà trường tổ chức được 3 lớp học xóa mù cho khoảng 40 học sinh là người dân tộc thiểu số. Những lớp học này mở từ đầu tháng 3/2014, dự kiến đến hết năm thì hoàn thành chương trình.

Con ngủ ngon, để mẹ tập viết.


Tại lớp học ở bản Nậm Đắc có 14 “học sinh”, tất cả đã ngoài 40 tuổi, đặc biệt, lớp có tới 4 cặp vợ chồng cùng nhau đi học. Đến lớp, tất cả mọi người đều có chung một mong muốn được biết cái chữ. Anh Mùa A Sáy, 45 tuổi, cho biết: “Tôi dù đã già rồi, nhưng Nhà nước mở lớp dạy chữ, nên tôi vẫn muốn đi học để biết chữ cho đỡ thiệt thòi. Vợ tôi cũng đi học với tôi. Vợ tôi bảo, biết chữ sẽ biết thêm nhiều cái mới, học được nhiều điều hay...”.

Còn anh Ly A Di, ở bản Nậm Đoong, đã ngoài 45 tuổi và đã có mấy cháu nội, ngoại nhưng với anh tuổi tác không ảnh hưởng đến việc đăng ký đi học cái chữ. Anh Di tâm sự: “Ban ngày đi làm nương, tối là phải đến lớp. Trước không đi học, nên không biết nhiều, giờ học biết đọc, biết viết, biết ký tên, tính toán để phục vụ cho bản thân mình. Vui nhất là biết ký tên mình mà không còn phải điểm chỉ như trước nữa”.

Việc đọc, viết tưởng là chuyện rất bình thường, tuy nhiên đối với bà con, những học sinh ở tuổi ông bà, cha mẹ, nếu không có những lớp xóa mù chắc còn lâu lắm họ mới biết đọc, biết viết. Dù chưa hẳn đã thông thạo, nhưng theo học lớp xóa mù chữ cũng phần nào giúp cho bà con thuận lợi hơn trong nhiều công việc, họ đã biết cách…“ký tên” thay cho “điểm chỉ”.

Bài và ảnh: Quang Duy

Thanh Trì quyết 'xóa mù' bơi cho học sinh
Thanh Trì quyết 'xóa mù' bơi cho học sinh

Nhằm giúp học sinh ngay từ bậc tiểu học biết bơi, 4 năm nay huyện Thanh Trì ở Hà Nội đã xây bể và dạy bơi cho các em ngay tại trường học. Đây được xem là địa phương đi đầu cả nước về việc “xóa mù” bơi cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN