Tìm lời giải cho dân số vùng cao Bắc Kạn-Bài cuối: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để giảm sức ép dân số hay các vấn đề liên quan, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

 

Để giảm sức ép dân số hay các vấn đề liên quan, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.


Bên cạnh những hạn chế, "bức tranh" dân số ở vùng cao Bắc Kạn vẫn có những mảng sáng như các thôn Nà Coóc, Nà Giàng, Nà Tậu của xã Công Bằng (huyện Bộc Bố); thôn Pò Đeng và Nà Phát thuộc xã Tú Trĩ (huyện Bạch Thông)… Đây là những thôn 19 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên. Người dân ở đây đã nhận thức về việc sinh đẻ có kế hoạch để tập trung phát triển kinh tế, lo cho con cái học hành. Quan niệm “có nếp có tẻ” không còn trong suy nghĩ của người dân nơi đây. Đẻ con ít, nuôi dạy con ngoan, kinh tế phát triển là ưu tiên hàng đầu của họ. Qui ước, hương ước của thôn cũng đưa ra, là nếu sinh con thứ 3 trở lên sẽ không đạt gia đình văn hóa.


Anh Triệu Đức Thưởng, sinh năm 1975, ở thôn Nà Phát, xã Tú Trĩ (huyện Bạch Thông) có hai con gái, đứa lớn học lớp 9, còn đứa nhỏ mới học lớp mẫu giáo. Anh chia sẻ: “Mẹ tôi cứ bắt phải sinh một thằng con trai để nối dõi tông đường. Nhưng hai vợ chồng ngày nào cũng tâm sự, nên mẹ tôi đã hiểu, thông cảm với quyết định không sinh thêm con thứ 3 của chúng tôi. Tôi nhận thức con gái cũng như trai”.


Một điều mà chúng tôi nhận thấy trong các buổi tư vấn của đội ngũ làm công tác dân số ở vùng cao là khi cán bộ đến nhà tuyên truyền hay vận động, chỉ có phụ nữ nghe, còn nam giới thì lảng tránh. Đó là thực tế đáng buồn cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, theo chị Đào Thị Nhung, cộng tác viên dân số thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm), trước đây các dịch vụ tránh thai như thuốc tránh thai, bao cao su, đặt vòng, được Nhà nước hỗ trợ, miễn phí, nhưng mấy năm trở lại đây các dịch vụ này mang tính tiếp thị và mất tiền, nên nhiều người không muốn bỏ tiền ra mua. Nhiều người còn ngại sử dụng các biện pháp tránh thai, e dè, ngại ngùng khi được tư vấn.


Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Pác Nặm cho biết: Các buổi tuyên truyền, hội thảo thiếu kinh phí để thực hiện. Sự bất đồng về ngôn ngữ, địa bàn rộng, các chế độ cho đội ngũ làm công tác dân số còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm cho công tác dân số trên địa bàn còn nhiều điểm cần khắc phục. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ dân số cấp xã chưa được kiện toàn, chưa được giao chỉ tiêu biên chế, do vậy một số cán bộ chưa an tâm công tác, chưa nhiệt tình với công việc.


Rõ ràng, để thay đổi nếp nghĩ, phong tục tập quán của đồng bào vùng cao, cần có sự "vào cuộc" đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành. Tỉnh Bắc Kạn đang triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ, chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn hai huyện Ba Bể và Pác Nặm. Mô hình này nhằm từng bước thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu về sinh nhiều con, tảo hôn, kết hôn cận huyết tại một số cộng đồng dân tộc ít người. Thực hiện mô hình này, nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh niên, phụ nữ; phối hợp với các nhà trường để chống bỏ học, thất học. Các hoạt động tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh; các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; vận động người có uy tín đưa nội dung cấm tảo tôn, kết hôn cận huyết vào hương ước, quy ước của thôn, bản; hỗ trợ tư pháp cho các chính quyền xã; tăng cường năng lực và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản… cũng được thực hiện.


Bài và ảnh: Đức Hiếu - Hoàng Giang

Tìm lời giải cho dân số vùng cao Bắc Kạn
Tìm lời giải cho dân số vùng cao Bắc Kạn

Do phong tục tập quán, trình độ nhận thức còn hạn chế, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn vẫn có quan niệm phải sinh nhiều con và phải có con trai để nối dõi tông đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN