Dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ do Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI xem xét. Đề án này đã được lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng tình của đông đảo giới trí thức cả nước. TTXVN xin giới thiệu cuộc phỏng vấn với Giáo sư Hoàng Tụy (ảnh) về vấn đề này.
Thưa Giáo sư Hoàng Tụy, là một người luôn tâm huyết với sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà, Giáo sư đánh giá thế nào về nội dung bản dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo được trình Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI?
Chủ trương đổi mới giáo dục đã được nêu lên từ khá lâu, nhưng trong 7 - 8 năm qua, tôi phải nói thật là chúng ta chưa có đề án nào đáp ứng đầy đủ yêu cầu này. Mãi cho đến cách đây 2 - 3 tháng, Ban Tuyên giáo có trình bày đề án trong một hội thảo và tôi có dự. Theo tôi đây là lần đầu tiên chúng ta có một đề án nghiêm chỉnh nhất về đổi mới giáo dục.
Trong bản Dự thảo Đề án này nêu quan điểm triết lý giáo dục mới. Giáo sư có đồng tình với triết lý này hay không?
Phần chính của Đề án chủ yếu nói về triết lý giáo dục mới. Thật ra triết lý giáo dục ấy chúng ta thảo luận trong nhiều năm rồi... Bây giờ nhiều người đã đồng thuận rồi. Nghĩa là bây giờ không thể đào tạo con người thụ động mà phải đào tạo con người có tinh thần độc lập, nhân văn, trung thực, luôn cởi mở với cái mới - có như vậy con người mới sáng tạo được. Triết lý này trong nhiều năm thảo luận còn có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì tại Đề án mới nhất đã đồng thuận.
Đề án đã thể hiện rõ nét và kỹ lưỡng về triết lý giáo dục tiến bộ ấy. Đây là vấn đề cơ bản, phải thống nhất trước khi giải quyết các vấn đề cụ thể khác.
Tôi muốn nói giống như một cỗ máy, có lúc nó gặp một điểm gọi là điểm chết, dù có đẩy tới đẩy lui cũng không thể chuyển động được. Muốn tạo ra chuyển biến phải cần có một xung động mạnh để thoát ra khỏi vũng lầy rồi mới có thể tiến lên được, muốn thoát khỏi phải có đột phá.
Giải quyết các vấn đề tồn tại của giáo dục không thể sửa “lặt vặt” được mà phải sửa lỗi hệ thống, phải thay đổi tư duy chiến lược, phải có điểm đột phá.
Vậy theo Giáo sư, trong bản Dự thảo Đề án lần này, đâu là điều Giáo sư cho là giải pháp “đột phá”?
Tôi thấy Đề án kỳ này đưa ra điểm rất đúng là tư duy lại quan điểm về trường phổ thông, về cải cách cách học và cách thi. Tôi cho đây là ưu điểm. Bởi vì, tôi nói ví dụ, nhiều năm nay luôn kêu quá tải, năm nào cũng đặt vấn đề giảm tải nhưng mọi người vẫn kêu. Bởi vì nếu giảm tải thì có mâu thuẫn: nếu giảm kiến thức thì không ngang bằng trình độ quốc tế. Mà không giảm tải thì học cũng không nổi. Giảm tải cũng cần nhưng chưa phải là điều chính.
Cái chính là quan điểm về trường phổ thông của chúng ta chưa hợp với thời đại. Đề án này đã giải quyết được việc này. Trong Đề án nêu rõ trường phổ thông đến THCS là bảo đảm học vấn cơ bản, phổ thông, cần thiết cho mọi công dân. Chúng ta phải làm giống như các nước, sau THCS mỗi người phải chọn một hướng đi cho mình, hoặc là học một nghề cần thiết cho cuộc sống, hoặc là học tiếp lên cao... Cần phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân như vậy. Điều này từ mấy năm trước tôi đã nói mãi rồi. Kỳ này, tôi thấy bản Đề án nêu quan điểm trường phổ thông như vậy là đúng.
Thứ hai là vấn đề thi cử. Đây là vấn đề tồn tại từ mười mấy năm nay. Mỗi kỳ thi như vậy không phải chỉ có học sinh đi thi mà cả phụ huynh đi thi, cả nước đi thi nên không thể nào quản nổi, không tiêu cực chỗ này thì chỗ khác... Mà không phải 1, những 2 kỳ thi liên tiếp. Giảm tiêu cực thi cử cũng cần nhưng chưa đủ. Tổ chức kỳ thi như của chúng ta tôi tin nếu người Pháp, người Mỹ thi thì cũng tiêu cực như vậy mà thôi.
Tôi thấy tại bản Dự thảo Đề án lần này đã đề ra được hướng giải quyết bất cập về thi cử và đó là hướng đi đúng.
Theo tôi nếu thực hiện đúng được như Đề án, nghĩa là thay đổi tính chất trường phổ thông, theo đó thay đổi cách học, cách thi thì sẽ là một bứt phá cho giáo dục.
Giáo sư nhiều lần kiến nghị phải thay đổi chính sách đối với nhà giáo? Vậy giáo sư nhận xét thế nào về chính sách với nhà giáo nêu tại Đề án lần này?
Tôi đã nhiều lần phát biểu cải thiện chính sách cho nhà giáo là điều đầu tiên và cốt lõi cần phải làm. Với chính sách cho nhà giáo như hiện nay mà giáo dục VN chỉ tụt hậu như vậy thì đã là kỳ tích. Người ta tưởng trả cho thầy giáo thấp là tiết kiệm nhưng đã sai lầm. Vì trả lương thấp, họ sẽ tìm cách có thêm thu nhập - dẫn đến dạy thêm...
Nhưng tôi cũng biết việc này riêng ngành giáo dục không làm được. Với bản Đề án kỳ này, tôi thấy lóe lên một hy vọng sẽ có một cách để cải thiện. Bởi vì nếu chúng ta thực hiện đột phá về cách dạy và cách thi cử như Đề án nêu thì sẽ tiết kiệm được khoản tiền khá lớn. Số tiền ấy ngành giáo dục cần phải đấu tranh để không bị cắt giảm mà dùng vào đầu tư trở lại cho đội ngũ nhà giáo.
Theo Giáo sư, việc thông qua Đề án này có ý nghĩa gì đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà?
Thông qua Đề án chỉ là bước đầu tiên. Sau đó cần phải thực sự thực hiện các nội dung Đề án đã nêu.
Năm 1986, Trung ương đã thông qua Đề án, trong đó nêu rõ “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng khi thực hiện có ý kiến gọi là “quốc sách đầu hàng”. Tôi chờ xem trong thực tế Đề án có được quyết tâm thực hiện không? Thông qua Đề án là bước đầu tiên quan trọng nhưng tôi nhấn mạnh là còn phải phấn đấu gian khổ để thực hiện đầy đủ mới mong tạo bước chuyển biến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Hoàng Hoa (thực hiện)