Dù “đóng quân” trên địa bàn vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, nhưng các cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Minh vẫn miệt mài mang đồng vốn ưu đãi đến giúp đồng bào phát triển kinh tế.Gian nan đường về bảnNăm giờ sáng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Minh đã nhộn nhịp, mọi người kiểm tra lại các trang thiết bị và đồ đạc để chuẩn bị cho một buổi giao dịch xã. Đúng nửa giờ sau, chiếc xe Navara đặc chủng của NHCSXH đã nổ máy bò dưới màn sương trắng leo ngược dốc về bản.
Một cuộc họp Tổ tiết kiệm và vay vốn của đồng bào vùng cao huyện Yên Minh. |
Đó là ngày giao dịch ở xã Du Già và Du Tiến, hai xã xa nhất của huyện, cách thị trấn Yên Minh khoảng 70km. Mới đầu mùa mưa nhưng chúng tôi đã cảm nhận rõ sự vất vả trong hành trình đi giao dịch xã. Trên đường đi, nhiều đoạn đã sạt lở, lởm chởm đất đá, trơn tuột, có những đoạn chỉ mới tạm khắc phục đủ lọt hai bánh xe, lái xe chỉ một phút chùn tay, sơ sểnh sẽ rất dễ lao xuống vực sâu. Thi thoảng gặp những tảng đá to nằm giữa đường, các cán bộ ngân hàng lại hò nhau vần đá xuống vực lấy lối đi tiếp. Anh Phùng Minh Thóc, Phó giám đốc NHCSXH huyện Yên Minh cho biết: “Mới 3 tháng trước, cũng tại cung đường này, trên đường giao dịch xã về, xe của ngân hàng bị đá cắt thủng lốp, may mà lái xe có kinh nghiệm nên xử lý nhanh, kịp dừng xe ngay sát mép vực”. Cũng bởi địa hình khó khăn nên có những lần đi củng cố chất lượng tín dụng tại xã, do mưa lũ, sạt đường nên anh em tín dụng phải ở lại đến 4 - 5 ngày mới quay về được.
Sau 5 giờ đồng hồ lúc lên dốc “ngửa mặt”, lúc xuống dốc thăm thẳm, chúng tôi đến xã Du Gia. Đồng bào dân tộc gặp cán bộ NHCSXH tay bắt mặt mừng như người thân trong gia đình. Anh Thóc cho biết cán bộ tín dụng NHCSXH nhiều người nói được tiếng đồng bào dân tộc nên rất dễ hòa nhập, công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với đồng bào nhờ đó cũng thuận lợi hơn.
Giúp đồng bào thoát nghèoNói về hoạt động của ngân hàng trong những năm qua, Giám đốc NHCSXH Yên Minh, ông Đỗ Văn Hùng cho biết: Yên Minh là một trong 6 huyện nghèo (NQ30a) vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, địa hình hiểm trở bị chia cắt bởi những dãy núi liên tiếp, 90% là đồi núi đá, cách thành phố Hà Giang 100 km về phía đông bắc, có 25,27 km đường biên giới. Huyện có 18 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 17 xã đều thuộc vùng khó khăn, trong đó có 16 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn.
Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng trong những năm qua, tập thể cán bộ Phòng giao dịch đã luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ mà cấp trên giao. Luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự vào cuộc giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nên mạng lưới tín dụng của NHCSXH phát triển rộng khắp trên toàn huyện. Tổng nguồn vốn tính đến ngày 30/4/2015 đạt gần 183,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 180,3 tỷ đồng với 10 chương trình tín dụng. Tổng số khách hàng vay vốn hiện nay là 10.031 hộ, bình quân một hộ vay gần 17,6 triệu đồng. Ðến nay, 100% số xã, thị trấn trong toàn huyện đã có điểm giao dịch NHCSXH, 361 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 284 thôn hoạt động hiệu quả.
Đánh giá về hiệu quả của đồng vốn ưu đãi do NHCSXH triển khai trên địa bàn huyện Yên Minh, Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Vịnh nhận xét: Nhiều năm qua, huyện được hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, trong đó có các chương trình tín dụng cho vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, qua đó giúp hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số thoát nghèo. Nhiều hộ đồng bào người Mông, Dao, Tày... nhờ được vay vốn ưu đãi đã có điều kiện tập trung chăn nuôi trâu, bò, trồng ngô... để thoát nghèo và trở thành mô hình sản xuất giỏi. Kết quả đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 57% năm 2010 đến nay xuống còn 29%.