Tình báo Mỹ phụ thuộc vào nhà thầu như thế nào?

Nếu muốn làm việc trong ngành tình báo Mỹ, đừng gửi đơn xin việc trực tiếp đến một cơ quan tình báo Mỹ, mà hãy gửi đến một trong hàng trăm công ty đang cung cấp cho ngành tình báo Mỹ đủ loại nhân viên, từ hỗ trợ công nghệ, đến hậu cần, an ninh.


 

Trụ sở Booz Allen Hamilton ở bang Virginia.

 

Vụ Edward Snowden - người tiết lộ chương trình giám sát Internet khổng lồ của Mỹ - đã mở ra một cánh cửa giúp “người ngoài” hiểu được làm thế nào mà Snowden lại có thể tiếp cận với những bí mật nhạy cảm nhất của tình báo Mỹ. Vụ này cũng cho thấy một điều: Khi bộ máy an ninh quốc gia ngày càng mở rộng, nước Mỹ đang phải giao phó những bí mật quan trọng cho nhiều người hơn, những bí mật mà nếu biết, có thể họ sẽ cảm thấy buộc phải tiết lộ.


Ông Steve Aftergood, quan sát viên tình báo thuộc Liên đoàn khoa học Mỹ, cho biết: Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, tình báo Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nhà thầu. Các nhà thầu làm đủ mọi nhiệm vụ cho tình báo Mỹ, từ phân tích tình báo đến thẩm vấn tù nhân.


Có những nguyên nhân về mặt cơ cấu khiến tình báo Mỹ phải dựa vào nhà thầu. Một trong số đó là do hoàn cảnh bắt buộc: Phần lớn phần mềm và phần cứng của 16 cơ quan tình báo Mỹ đều do các công ty tư nhân cung cấp. Các công ty tư nhân này nhanh nhạy hơn công ty nhà nước trong áp dụng công nghệ mới. Ngay cả Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng không phải là ngoại lệ.


 

Giám đốc tình báo Mỹ James Clapper.

 

Các nhà thầu rất cần thiết cho sứ mệnh của NSA. Họ cung cấp cho NSA các chuyên gia phân tích và kỹ thuật viên. Các nhà thầu xây dựng công nghệ sao cho phù hợp với công việc phân tích và thu thập dữ liệu của ngành tình báo. Do đó, NSA ưa các hệ thống công nghệ này và không thích mua những công nghệ đã lỗi thời.


Nhà thầu SAIC, từng đặt trụ sở tại bang California (miền tây nước Mỹ), đã nhúng tay vào hoạt động của NSA nhiều đến mức các nhân viên của nhà thầu này đùa rằng SAIC là NSA - Tây.


Ước tính, Bộ An ninh Nội địa cùng các cơ quan chống khủng bố và tình báo Mỹ đã “làm ăn” với 1.931 công ty ở 10.000 địa điểm trên toàn nước Mỹ. Trong trường hợp của Snowden, anh này làm việc cho nhà thầu Booz Allen Hamilton được 3 tháng, trước khi tiết lộ tin mật và cũng làm cho cả các nhà thầu khác cung cấp dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin và dịch vụ bảo vệ an ninh cho NSA.


Booz Allen Hamilton có lợi nhuận 5,86 tỷ USD trong năm tài khóa 2012, khoảng 70% trong số 25.000 nhân viên của nhà thầu này được phép tiếp cận thông tin bí mật của chính phủ và 49% trong số thông tin đó thuộc hàng tối mật. Khoảng 1,3 tỷ USD lợi nhuận của Booz Allen Hamilton là nhờ các hợp đồng tình báo.


Lịch sử NSA chứng kiến rất nhiều mối “nhân duyên” với các nhà thầu. Cựu Giám đốc NSA John McConnell hiện là Phó Chủ tịch của Booz Allen Hamilton. Còn người kế nhiệm ông McConnell, Tướng James Clapper, từng là một Giám đốc của Booz Allen Hamilton. Ông Willian J Black, nghỉ hưu tại NSA năm 1997, vào làm việc cho nhà thầu SAIC sau đó rồi quay lại NSA làm Phó Giám đốc năm 2000. Người Mỹ duy nhất bị kết án liên quan đến chương trình hành hạ tù nhân của CIA sau vụ khủng bố 11/9 không phải là một nhân viên CIA mà là một nhân viên nhà thầu tên là David Passaro, người đã đánh một tù nhân Ápganixtan tới chết.


Không chỉ riêng Booz Allen Hamilton và SAIC mà có vô số các công ty tư nhân khác cũng cung cấp cho giới tình báo Mỹ đủ loại dịch vụ, từ an ninh tới vận chuyển.


Sự phụ thuộc vào nhân sự nhà thầu đôi lúc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người giám sát các cơ quan tình báo tại quốc hội. Một báo cáo của Thượng viện Mỹ năm 2007 cho thấy, cộng đồng tình báo đã tăng cường lực lượng khoảng 20% kể từ sau ngày 11/9, mà chủ yếu là do thuê các nhà thầu tư nhân bên ngoài. Mặc dù các công ty và cơ quan thường giao bớt việc cho bên ngoài để tiết kiệm tiền nhưng theo Ủy ban tình báo Thượng viện, thuê nhân viên nhà thầu lại tốn kém hơn trả lương cho nhân viên chính phủ làm việc toàn thời gian. Lương trung bình năm của một nhân viên chính phủ là 126.500 USD, trong khi tổng số tiền bỏ ra để thuê một nhân viên nhà thầu chủ chốt lên tới 250.000 USD/năm.


Hơn nữa, phụ thuộc vào nhà thầu luôn mang lại nhiều rủi ro cho cộng đồng tình báo. Càng thuê nhiều nhà thầu thì càng có nhiều người có thể tiếp cận các thông tin an ninh nhạy cảm của Mỹ, khiến Mỹ khó mà giữ được những bí mật khỏi con mắt của công chúng. Giải pháp có thể là phân chia nhỏ thông tin an ninh để hạn chế “người ngoài” có khả năng tiếp cận nhiều dữ liệu nhạy cảm. Tuy nhiên, điều này cũng không thể thực hiện với những người quản trị hệ thống và chuyên gia kỹ thuật.


Nguy cơ rò rỉ thông tin mật luôn treo lơ lửng vì trong thực tế, có nhiều nhân viên nhà thầu trong cộng đồng tình báo phản đối gay gắt một số công việc của chính phủ, dù rằng không phải ai cũng sẵn sàng và có “gan to” như Snowden.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN