Bên lề Quốc hội, đại biểu Phan Văn Quý (ảnh) (Nghệ An) trao đổi về hỗ trợ ngư dân bám biển thông qua đóng tàu vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, để ngư dân bám biển tốt hơn, cần có hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt để bám biển tốt hơn, an toàn hơn. Từ thông tin đại chúng cho thấy, ngư dân miền Trung vẫn bị nhiều tàu lạ uy hiếp, phun nước gây thiệt hại nhiều. Nước ta có bờ biển dài và cần lực lượng bám biển là ngư dân để vừa bảo vệ chủ quyền và làm kinh tế. Có bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển mới phát triển được kinh tế biển, trong đó có nghề cá. Việc đóng tàu vỏ sắt xét về lý thuyết sẽ góp phần để ngư dân bám biển tốt hơn nhưng phải tính hiệu quả kinh tế mới bền vững được, nếu không thì Nhà nước lại bao cấp.
Cử tri tại vùng ven biển có kiến nghị gì với Nhà nước, thưa ông?
Khi tiếp xúc cử tri vùng ven biển, họ rất bức xúc về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngư dân đều thể hiện quyết tâm bám biển để giữ vững chủ quyền. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tàu cá của ngư dân tàu bé, vỏ gỗ… Để chuyển đổi tàu lớn cần vốn lớn. Đây là bài toán kinh tế vì nếu vay vốn đóng tàu nhưng hiệu quả kinh tế không cao sẽ không hoàn vốn, không dám mở rộng.
Trong tháng 4/2014, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đã bàn giao tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01 cho ngư dân Mai Thành Văn ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Đăng Lâm-TTXVN |
Tàu vỏ gỗ chỉ liên quan đến gia đình, hai ba anh em trong gia đình là có thể ra khơi và không cần nhiều lực lượng lao động, trong khi đó đóng tàu vỏ sắt là cả HTX, vốn lớn. Hiện ngư dân với những tàu vỏ gỗ đang hình thành tổ đội sản xuất nhỏ; trong khi tàu vỏ sắt liên quan đến vấn đề quy mô sản xuất. Từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn là cả vấn đề quản lý, công cụ lưới, máy ướp lạnh sẽ như thế nào. Thực tế không phải dễ thay đổi mọi thứ. Theo tôi được biết, hiện một số tỉnh miền Trung đã hình thành đội tàu lớn vỏ sắt nhưng hiệu quả kinh tế ra sao cần có sự tổng kết trước khi nhân rộng.
Vậy theo quan điểm của ông, để việc chuyển tàu vỏ gỗ sang vỏ sắt cần chính sách cụ thể nào của Nhà nước?
Để làm được việc này phải có tác động mạnh của Nhà nước từ vốn, năng lực quản lý và khi đánh bắt ngoài khơi xa phải có lực lượng chấp pháp bảo vệ. Rồi đến vấn đề thông tin, xử lý sự cố. Với tàu lớn, công nghệ hoàn toàn khác so với tàu gỗ và ngư dân chưa quen xử lý nhưng tàu nhỏ thì họ hoàn toàn có thể tìm cách khắc phục. Với tàu lớn họ phải có tổ chức từ đội sản xuất, HTX...
Tàu vỏ sắt lớn hơn nên được đầu tư lớn trong khi ngư dân quen với công cụ đánh bắt nhỏ lẻ, vậy nên tàu lớn sẽ quản lý ra sao? Vì không giải bài toán này sẽ có nguy cơ phá sản bởi lực lượng sản xuất phải đi đôi với quan hệ sản xuất. Nhà nước có thể giao cho công cụ sản xuất nhưng lực lượng và quan hệ sản xuất chưa được trải nghiệm, trình độ nhân lực chủ yếu là mới học hết trung học cơ sở, thậm chí chỉ tiểu học vậy sẽ quản lý cả đội tàu lớn như thế nào, chế biến ra sao, tiêu thụ như thế nào? Đó là bài toán phải tính toán kỹ và cân nhắc để phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường(thực hiện)