Gần đây Mỹ cho rằng Iran đã tiến hành
không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng không hợp tác với liên
minh của Washington, nếu đây là sự thật thì một tình huống rối rắm đang
diễn ra với hai quốc gia này.Hãng tin AFP dẫn lời phát
ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong những ngày gần đây Iran
đã điều một số tiêm kích cất cánh từ nước này thả bom và tấn công vào
các vị trí của IS tại Iraq và hoạt động đó không thuộc khuôn khổ liên
minh chống IS của Mỹ.
Tiêm kích F-4 Phantom của Iran. Ảnh: Reuters |
Theo
đó, tiêm kích F-4 Phantom được phát hiện bay lượn và tấn công vào các
vị trí của IS tại tỉnh phía đông Diya, Iraq. Chỉ có Iran và Thổ Nhĩ Kỳ
sử dụng loại máy bay ném bom trên trong khu vực và Ankara đã khẳng định
rằng nước này sẽ đứng ngoài rìa chiến tranh với IS.
Tehran đã
kiên quyết phủ nhận, Baghdad thì cho biết không nhận được thông tin gì,
trong khi đó, Washington khẳng định có bằng chứng hình ảnh về sự kiện
này.
Nếu đây là sự thật thì một tình huống dễ gây lúng túng đang
xảy ra giữa Mỹ và Iran bởi nó đồng nghĩa với việc tuy là hai nước không
mấy thiện cảm với nhau nhưng nếu cùng không kích nhằm vào mục tiêu IS
thì Washington và Tehran đang ở cùng một chiến tuyến.
Điều khó xử
với Iran là nước này không hề muốn kết giao, thậm chí tỏ rõ không ưa ra
mặt đối với Mỹ và việc cùng sát cánh chống IS có thể khiến công chúng
thấy đây là hành động đi ngược lại với những gì Tehran đang thể hiện.
Cuộc
không kích của Iran được cho là nhằm hỗ trợ lực lượng người Kurd. Trên
thực tế Iran đã đào tạo binh sĩ và hợp tác với người Kurd - lực lượng
hiện đang nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các cuộc không kích của Mỹ trong
cuộc chiến chống lại IS.
Iran được đánh giá là nước giữ vai trò
quan trọng trong cuộc chiến không chỉ là chống lại IS mà còn chống lại
các nhóm nổi dậy người Sunni đang gây khó khăn cho chính quyền của Tổng
thống Syria Bashar al-Assad.
Hiện tại bộ máy chính quyền của Iran
được vận hành chủ yếu bởi các lãnh đạo đạo Hồi theo dòng Shiite, vì vậy
khi Iran ném bom IS (nhóm đang muốn thành lập nhà nước Hồi giáo do
người theo dòng Sunni thống trị) thì họ đang gây sự chú ý liên quan đến
mâu thuẫn tồn tại trong nhiều thế kỷ giữa hai dòng trong đạo Hồi. Trong
khi đó, Mỹ đang hy vọng cộng đồng người Sunni quay lưng và chống lại IS.
Hà Linh (Theo Sky)