Tại cuộc gặp, với tư cách là lãnh đạo tỉnh có dự án hợp tác lớn nhất với Việt Nam trên toàn LB Nga trong dự án xây dựng nhà máy sữa của TH True Milk, Thống đốc Aratamonov đã thông báo đến Đại sứ Ngô Đức Mạnh tình hình thực hiện dự án.
Hai bên trao đổi những đánh giá của mình về tiến độ thực hiện dự án, cũng như tư vấn tìm cách tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh tiếp Thống đốc tỉnh Kaluga A.Artamonov. |
Ông Artamonov cho biết, tỉnh đã dành cho doanh nghiệp những điều kiện thuận lợi nhất như đã cam kết, song còn những vấn đề như thủ tục cho người lao động Việt Nam sang làm việc thì cần phải giải quyết ở cấp chính phủ, cũng như tiến độ xây dựng hiện nay phụ thuộc vào khả năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết dù mới nhậm chức chưa được ít lâu song ông đã nắm khá đầy đủ thông tin về dự án đầu tư trọng điểm hiện nay giữa Nga và Việt Nam. Ông cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động Việt Nam, cam kết sẽ sâu sát và sát cánh cùng với doanh nghiệp trong hợp tác với phía Nga.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Đại sứ Ngô Đức Mạnh bày tỏ niềm tự hào khi các sinh viên Việt Nam theo học ngành điện hạt nhân tại Trường Đại học Điện hạt nhân thành phố Obninsk, tỉnh Kaluga đạt kết quả cao trong học tập. Đại sứ Ngô Đức Mạnh đề xuất và Thống đốc Artamonov đã hoan nghênh ý kiến về việc xem xét thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kaluga và một địa phương của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thống đốc Artamonov cho biết qua những lần thăm dự án của TH True Milk ông thán phục trình độ công nghệ mà phía Việt Nam trang bị cho dự án này.
Ông Artamonov cho biết ông hài lòng với thực tế thực hiện cam kết xây dựng nhà máy kỹ thuật cao trong lĩnh vực chế biến sữa và sản phẩm sữa từ phía Việt Nam và tin tưởng rằng khi đã đầu tư vào Nga nói chung và vào tỉnh Kaluga nói riêng ở quy mô như vậy, doanh nghiệp sữa Việt Nam đủ khả năng không chỉ cung cấp cho thị trường Nga mà còn xuất khẩu đi các thị trường khác.
Ông khẳng định, Kaluga có đầy đủ tiềm năng trong kêu gọi đầu tư từ phía Việt Nam, và có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn đặt sản xuất tại tỉnh, ví dụ như cấp đất làm nhà máy đã có hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Doanh nghiệp đầu tư cũng được hưởng ưu đãi thuế lợi nhuận, thuế đất và thuế tài sản. Ngoài các doanh nghiệp thì người lao động Việt Nam cũng có thể tìm thấy cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp may mặc, nông nghiệp với mức lương tốt, và đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho cả gia đình.
Hợp tác với tỉnh Kaluga hiện càng thêm thuận lợi khi tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Kaluga qua Trung Quốc về Việt Nam đã khai thông (hết khoảng 9-10 ngày trên đường). Hiện Kaluga đang cung cấp thịt gia cầm về Việt Nam, nhưng cũng có thể tính tới hướng hợp tác nuôi gia cầm ngay tại Việt Nam.
Nuôi tôm cũng là một định hướng mà Thống đốc Artamonov gợi ý với phía doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Nga. Tại Kaluga đã có dự án thành công với phía Mỹ, các sản phẩm tôm từ các trang trại của Mỹ đang bán rất tốt trên thị trường Nga.