Tổng thống lâm thời Ai Cập tuyên thệ nhậm chức

Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập, ông Adli Mansour, ngày 4/7, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời của quốc gia Bắc Phi này, chưa đầy một ngày sau khi Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi bị quân đội phế truất.


 

Ông Adli Mansour.

 

Trong lễ tuyên thệ tại Tòa án Hiến pháp Tối cao được truyền hình trực tiếp, ông Mansour đã cam kết "sẽ gìn giữ nền cộng hòa, tôn trọng hiến pháp và luật pháp; và bảo vệ lợi ích của nhân dân".


Theo sắc lệnh của quân đội, ông Mansour sẽ là lãnh đạo lâm thời của Ai Cập cho tới khi nước này bầu được một tổng thống mới. Thời điểm tổ chức bầu tổng thống hiện chưa được ấn định.


Cùng ngày, cảnh sát đã bắt giữ thủ lĩnh tối cao của tổ chức Anh em Hồi giáo Mohammed Badie theo lệnh của tòa án Ai Cập để truy tố về tội kích động sát hại người biểu tình. Mohammed Badie là một trong 300 thủ lĩnh và thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo bị tòa án Ai Cập ra lệnh bắt giữ. Công tố viên sẽ bắt đầu thẩm vấn các thành viên Anh em Hồi giáo, trong đó có cả ông Morsi vào ngày 8/7.

 

"Lật thuyền"


Trước đó, sau 5 ngày đêm “cơn bão” biểu tình phản đối Tổng thống Mohamed Morsi tràn qua Ai Cập, đêm 3/7 ông này đã bị quân đội Ai Cập đảo chính “lật thuyền”. Quân đội đã đình chỉ hiến pháp hiện hành và chỉ định ông Mansour làm tổng thống lâm thời. Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Abdel Fattah El - Sisi, đã kêu gọi bầu cử tổng thống và quốc hội trước thời hạn, thành lập một ủy ban sửa đổi hiến pháp và hòa giải dân tộc.


 

Người dân Ai Cập đổ ra đường reo hò sau khi ông Morsi bị lật đổ. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Sau khi bị lật đổ, ông Mohamed Morsi đã bị cách ly với các trợ lý cấp cao và bị áp tải tới trụ sở của Bộ Quốc phòng. Một quan chức quân đội cấp cao Ai Cập xác nhận: "Ông Morsi đang bị giam giữ phòng ngừa để chờ những quyết định cuối cùng", ám chỉ tới việc vị tổng thống vừa bị phế truất này có thể sẽ phải đối mặt với những cáo buộc chính thức từ phe đối lập.


Về phần mình, Tổng thống Morsi đã bác bỏ tuyên bố của quân đội, từ chối đề nghị rời Ai Cập để đến bất kỳ quốc gia nào khác. Ông cũng kêu gọi người dân chống lại cuộc đảo chính "bất hợp pháp" này một cách hòa bình.


Trong khi đó, hàng ngàn người phản đối ông Morsi đã đổ ra đường ăn mừng trong không khí phấn khích. Còn báo chí Ai Cập gần như đồng loạt coi việc ông Morsi bị lật đổ là một cuộc cách mạng “hợp pháp”.

 

Phản ứng trái chiều


Ngay sau khi ông Morsi bị lật đổ, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến sự kiện có thể một lần nữa làm thay đổi vận mệnh của quốc gia này. Liên hợp quốc, Mỹ, châu Âu, Nga, và Trung Quốc cùng kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại, nhanh chóng thực hiện tiến trình dân chủ, bao gồm tổ chức bầu cử tự do và công bằng nhằm tôn trọng quyền lựa chọn cao nhất của người dân.


Xyri cùng một số quốc gia vùng Vịnh khác đã ca ngợi cuộc biểu tình tại Ai Cập, nói rằng việc ông Morsi bị quân đội lật đổ cho thấy dấu chấm hết của "Hồi giáo chính trị".


Trong khi đó, một số quốc gia lại phản đối hình thức quân đội tham gia lật đổ chính quyền. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle coi đây là “một bước thụt lùi dài về dân chủ” tại Ai Cập. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sự việc không phản ánh nguyện vọng của người dân và không tuân theo luật pháp.

 

“Bão” vẫn chưa tan


Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Sisi đã công bố lộ trình cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi ông Morsi bị phế truất. Theo đó, lực lượng vũ trang Ai Cập sẽ không tham gia nền chính trị, thay vào đó sẽ thành lập một chính phủ kỹ trị để điều hành đất nước cho tới khi tổ chức xong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Ông Sisi đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập tránh sử dụng vũ lực, đảm bảo hòa bình.


Tuy nhiên, việc ông Morsi bị phế truất có thể khiến tổ chức Anh em Hồi giáo bị xáo trộn trong nhiều năm tới. Ông Morsi và nhiều cố vấn của ông đang bị quản thúc tại gia và ông có thể phải ra hầu tòa vì tội trốn tù trong cuộc nổi dậy năm 2011. Nhiều người còn lo ngại về nguy cơ xảy ra một vụ đàn áp thẳng tay đối với các thành viên của tổ chức này. Và nếu đúng vậy, việc này sẽ dẫn tới những phản ứng bạo lực từ nhóm Anh em Hồi giáo, thậm chí họ sẽ “phản kháng một cách liều mạng".


Lê Hoàng (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN