Tổng thống Mianma thăm Mỹ

Ngày 19/5, Tổng thống Mianma U Thein Sein đã có mặt tại Mỹ trong một chuyến thăm “lịch sử” theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, nhằm tìm kiếm sự trợ giúp và kêu gọi đầu tư phục vụ cho công cuộc cải cách mạnh mẽ tại nước này.


 

Một công nhân bốc xếp ở Yangon, Mianma, ngày 13/5/2013. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị tổng thống Mianma tới Mỹ trong vòng 47 năm qua. Tháp tùng ông Thein Sein là đoàn quan chức cao cấp của chính phủ nước này, trong đó có các quan chức đứng đầu các bộ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ và Năng lượng.


Ông Thein Sein đã có một số cuộc gặp kín trong ngày 19/5, dự kiến hội đàm với Tổng thống Barack Obama sáng 20/5, gặp các lãnh đạo Quốc hội Mỹ và sau đó sẽ dự bữa tối với các doanh nghiệp Mỹ.


Chánh văn phòng Tổng thống Mianma, ông Zaw Htay cho biết các vấn đề có thể được bàn thảo giữa hai nhà lãnh đạo là việc Mỹ có thể trợ giúp trong vấn đề an ninh, thực thi luật pháp, giáo dục, y tế và xóa bỏ đói nghèo của Mianma như thế nào.


Còn tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra trước đó cho biết ông Obama sẽ thảo luận với ông Thein Sein về những thách thức còn tồn tại trong tiến trình xây dựng nền dân chủ của Mianma, giải quyết căng thẳng sắc tộc và khả năng trợ giúp của Mỹ.


Dự kiến trong chuyến thăm này, Mianma và Mỹ cũng sẽ ký 2 thỏa thuận về thương mại và đầu tư. Mỹ hiện có 15 dự án đầu tư tại Mianma với tổng số vốn là 243,56 triệu USD, đứng thứ chín trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Mianma.


Theo số liệu chính thức của chính phủ Mianma, kim ngạch thương mại giữa Mianma và Mỹ đạt 190,96 triệu USD trong năm 2012, trong đó xuất khẩu từ Mianma sang Mỹ đạt 16,47 triệu USD, nhập khẩu là 174,49 triệu USD.


Mianma trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ


Ông Zaw Htay khẳng định chuyến công du của Tổng thống Thein Sein là minh chứng cho thấy “sự thừa nhận của Mỹ đối với công cuộc cải cách của Mianma”. Thực tế, cùng với những “lời nói đi đôi với việc làm” về cải cách của Tổng thống Thein Sein từ năm 2011, cùng thời điểm Mỹ tuyên bố “xoay trục” về châu Á, Mỹ và EU đã dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt và cấm vận đối với nước này.


Các nhà phân tích cho rằng để thực hiện thành công chiến lược trở lại châu Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã bỏ qua nhiều đòi hỏi, nhanh chóng cải thiện quan hệ đối với Mianma, nhằm gia tăng sự hiện diện tại quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng này. Theo nhận định của ông Boris Volkhonsky, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga, Mianma là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.


Hãng tin AP (Mỹ) ngày 19/5 cho biết chính phủ Mỹ trong 3 năm qua đã không đưa thêm tên của một cá nhân nào tại Mianma vào danh sách cấm vận, cho dù Sứ quán Mỹ tại Yangon đề nghị liệt hàng trăm quan chức Mianma vào danh sách này. Lý do là vì Oasinhtơn muốn chiếm được niềm tin của giới lãnh đạo Mianma, khuyến khích họ kiên định con đường cải cách dân chủ.


Cũng theo AP, 6 tháng qua kể từ khi Tổng thống Barack Obama tới Yangon tháng 11/2012, Mianma vẫn tồn tại nhiều vấn đề bạo lực sắc tộc, tôn giáo và các lực lượng an ninh vẫn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong số 11 cam kết chính sách mà ông Thein Sein đưa ra trong chuyến thăm của ông Obama, chỉ có 5 cam kết đã hoàn thành. Vì thế, các nhà hoạt động nhân quyền và một số nghị sỹ quốc hội Mỹ cho rằng việc chào đón ông Thein Sein của chính quyền Obama lần này có vẻ như quá sớm.


L.D (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN