Tổng thống Mỹ công bố chiến lược toàn diện chống IS

Sau một thời gian bị nhìn nhận là “quá thận trọng” trong việc đối phó với nguy cơ ngày càng lớn từ nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, ngày 10/9 (theo giờ địa phương, tức sáng 11/9 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược toàn diện mới nhằm chống lại IS, theo đó sẽ mở rộng chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS không chỉ ở Iraq mà cả bên trong lãnh thổ quốc gia láng giềng Syria.

Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Barack Obama sau gần ba năm quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu quan trọng được truyền hình trực tiếp từ Phòng Chữ thập - Nhà Trắng tối 10/9 về chiến lược đối phó phiến quân IS. Ảnh: Reuters


Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp tối 10/9 từ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama nói: “Tối nay, sau khi Iraq có chính phủ mới và sau khi tham khảo ý kiến của các nghị sĩ Quốc hội và các đồng minh, tôi tuyên bố nước Mỹ sẽ lãnh đạo một liên minh chống nguy cơ từ nhóm IS. Mục tiêu của chúng ta là rõ ràng, từng bước làm suy giảm khả năng, cuối cùng là đánh bại và tiêu diệt IS thông qua một chiến lược chống khủng bố toàn diện và lâu dài”. Ông Obama cho rằng chiến lược chống IS khác hẳn với cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vì đây là một chiến dịch chống khủng bố được phát động không phải bằng việc sử dụng lực lượng bộ binh mà thông qua việc sử dụng sức mạnh của không quân với sự hỗ trợ của các lực lượng đối tác dưới mặt đất giống như chiến lược đã theo đuổi thành công trong nhiều năm qua ở Yemen và Somali. Ông Obama xác định các tay súng IS đã trở thành nguy cơ đe dọa an ninh không chỉ đối với nước Mỹ mà cả các đồng minh của Mỹ.

Ông cho biết chiến lược mới mà Nhà Trắng theo đuổi nhằm đối phó với nguy cơ này là mở rộng chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS không chỉ ở Iraq mà cả lãnh thổ Syria, đồng thời tiếp tục viện trợ và cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Syria nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ hỗ trợ nhiều mặt cho chính phủ Iraq để cùng chống lại nguy cơ từ nhóm IS thông qua việc cung cấp ngay lập tức khoản viện trợ quân sự 25 triệu USD để giúp huấn luyện quân sự cho quân đội chính phủ Iraq cũng như lực lượng vũ trang của chính quyền khu tự trị của người Kurd ở các tỉnh miền Bắc Iraq. Ông đồng thời kêu gọi Quốc hội cho phép tăng cường trang bị và viện trợ cho các nhóm nổi dậy mà Mỹ xác định là “ôn hòa” ở Syria. Ông tuyên bố nước Mỹ sẽ nắm vai trò lãnh đạo, đồng thời kêu gọi thiết lập một liên minh rộng rãi gồm các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là đánh bại IS. Mặc dù đã có quyền mở rộng cuộc chiến chống IS, nhưng ông Obama cũng kêu gọi các nhà lập pháp của hai đảng tại Quốc hội và người dân Mỹ ủng hộ chiến lược mới của Nhà Trắng chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS cả ở Iraq và Syria.



Các tay súng thuộc IS.


Bài phát biểu của ông Obama được công bố sau khi nước Mỹ kể từ đầu tháng 8 tới nay đã tiến hành hơn 150 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS bên trong lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, nhóm này vẫn là một nguy cơ lớn đối với các cứ địa mà Mỹ cho là được đặt trong lãnh thổ Syria, chủ yếu là các tỉnh phía Đông giáp Iraq. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Roger, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng bài phát biểu của ông Obama là “một sự khởi đầu tốt đẹp” trong nỗ lực chống nguy cơ thực sự từ nhóm IS. Ông Roger cho rằng Tổng thống Obama cần có "một không gian rộng" để hành động, trong đó có việc có thể sử dụng cả lực lượng đặc nhiệm. 

Trước khi công bố chiến lược trên, Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và các quan chức chóp bu của Nhà Trắng đã lần lượt có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Quốc hội và nghị sĩ của hai đảng nhằm thuyết phục họ ủng hộ quyền mở rộng cuộc chiến mà ông Obama cho là “ông đã có trong tay”, nhưng cần tham khảo thêm ý kiến của các nghị sĩ của hai đảng.


Ngày 10/9, Tổng thống Obama đã có cuộc đàm thoại với Quốc vương Saudi Arabia Abdullah nhằm kêu gọi quốc gia Trung Đông này cùng tham gia nỗ lực của Mỹ chống IS. Trong khi đó, phát biểu với báo giới khi đang có mặt tại Baghdad ngày 10/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry  nói rằng quân đội Iraq sẽ được tái thiết như một phần của chiến lược toàn cầu được Tổng thống Barack Obama công bố trong bài phát biểu tối 10/9. Ông Kerry khẳng định nước Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không khoanh tay đứng nhìn nhóm IS hoành hành, đồng thời xác định Iraq là đối tác chủ chốt trong cuộc chiến chống tổ chức này. Xác định nhóm IS là mối đe dọa lớn nhất đối với người dân Iraq, ông Kerry bày tỏ tin tưởng rằng trong vòng 3 năm có thể đánh bại và tiêu diệt hoàn toàn nhóm IS. 

Chiến lược mới của Mỹ chống nhóm IS được công bố một ngày trước khi nước Mỹ tưởng niệm 13 năm xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001. Với hàng nghìn tay súng nước ngoài tham gia IS, trong đó có nhiều người mang quốc tịch các nước châu Âu và Mỹ, không ít người lo ngại rằng các tay súng nước ngoài này sau khi trở về nước sẽ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ và châu Âu. Chính phủ Anh mới đây đã nâng mức báo động từ nhóm IS lên cấp độ nghiêm trọng, có nghĩa là một cuộc tấn công khủng bố không chỉ có thể sắp xảy ra mà là nhiều khả năng sẽ xảy ra.


TTXVN/Tin Tức
Mỹ sẽ không kích IS ở Syria
Mỹ sẽ không kích IS ở Syria

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông sẵn sàng cho tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN