Trong cuộc trả lời phỏng vấn lần đầu tiên với một kênh truyền hình Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên chỉ trích chính sách của các nước phương Tây đối với Nga và vấn đề Ukraine, khẳng định những phản ứng của phương Tây là hoàn toàn không phù hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Hubert Seipel. Ảnh: DPA |
Cuộc phỏng vấn độc quyền được phát trên kênh truyền hình Đức ARD tối 16/11 đã thu hút sự quan tâm của không chỉ dư luận Đức mà của cả thế giới, bởi chủ đề phỏng vấn được thông báo rộng rãi trước khi phát sóng xoay quanh vấn đề nóng Ukraine cũng như quan điểm của Nga liên quan vấn đề này. Bên cạnh đó, nội dung cuộc phỏng vấn vị nguyên thủ nước Nga còn liên quan tới việc mở rộng NATO, việc sáp nhập Crimea hay các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây đối với Nga.
Trả lời câu hỏi của phóng viên kỳ cựu Hubert Seipel về hơi hướng của cuộc Chiến tranh lạnh khi NATO tập trận rầm rộ ở Biển Đen, sát biên giới Nga, trong khi máy bay ném bom của Nga bay lượn trong "vùng không phận quốc tế của châu Âu", Tổng thống Putin cho biết việc NATO kết nạp thêm hàng loạt thành viên sau hai đợt mở rộng (năm 2004 với 7 nước gồm Slovenia, Slovakia, Bulgaria, Romania và ba nước Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania; năm 2009 thêm hai nước Croatia và Albania) đã làm thay đổi đáng kể không gian địa chính trị. Bên cạnh đó, số lượng các căn cứ của NATO sát biên giới Nga cũng tăng mạnh. Tổng thống Putin cho biết, sau năm 1991-1992, nước Nga đã quyết định cho ngừng triển khai các máy bay không quân chiến lược, song cũng thời gian đó, Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động giám sát của họ sử dụng các lực lượng hạt nhân và máy bay sát biên giới của Nga. Đó là lý do khiến Nga phải tái triển khai lại phi đội của mình làm nhiệm vụ giám sát không phận. Ông nêu rõ không có cái gọi là "vùng không phận quốc tế của châu Âu", mà chỉ có không phận quốc tế, không phận trung lập hoặc không phận châu Âu, đồng thời khẳng định các cuộc tập trận của Nga chỉ diễn ra ở vùng biển và không phận quốc tế.
Về phản ứng của phương Tây, trong đó có áp đặt các biện pháp trừng phạt, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin khẳng định phản ứng của phương Tây là hoàn toàn không phù hợp với những gì đã diễn ra. Tổng thống Nga bày tỏ ngạc nhiên khi Moskva bị tố vi phạm luật pháp quốc tế. Ông nhắc lại trường hợp Kosovo làm ví dụ, theo đó, Toà án Công lý quốc tế (IJC) đã ra phán quyết ủng hộ quyền tự quyết của Kosovo. Theo nhà lãnh đạo Nga, trong trường hợp đó, người dân không cần phải hỏi chính quyền trung ương về việc thực thi quyền tự quyết của họ. Trong khi đó, không chỉ như Kosovo, Crimea độc lập không những thông qua một nghị quyết của Nghị viện Crimea mà còn là kết quả đồng thuận của một cuộc trưng cầu ý dân ở đây.
Nhận định về tương lai Ukraine, Tổng thống Putin nêu rõ Ukraine là một nước phức tạp, không chỉ vì thành phần sắc tộc mà còn vì chính con đường dẫn tới hình thái xã hội hiện nay. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Nga, Ukraine sẽ có tương lai, bởi đây cũng là một nước lớn của châu Âu với nền văn hóa châu Âu và dân số tới 44 triệu người. Điều Ukraine còn thiếu, theo Tổng thống Putin, chính là sự thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Để thành công, ổn định và phát triển, tất cả mọi người ở Ukraine, không phân biên ngôn ngữ, phải làm cho nhau cảm thấy đó là quê hương mình. Và để làm được điều này, biện pháp liên bang hóa, phân quyền hay phân vùng,... là một giải pháp. Tổng thống Putin cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra tình trạng thanh lọc sắc tộc hay xu hướng chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine, điều theo ông sẽ là thảm họa cho Ukraine và người dân nước này. Đây cũng là nguyên nhân khiến Nga phải nỗ lực can dự, thuyết phục các tay súng đòi li khai tham gia vào các thỏa thuận, như Thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận này vẫn có những khúc mắc và ở nhiều nơi, các tay súng cũng như binh sĩ Ukraine vẫn chưa rút đi theo cam kết. Điều này sẽ rất khó để có thể chấm dứt giao tranh và tạo khuôn khổ tiến hành đối thoại chính trị.
Liên quan sự ổn định tài chính khi phương Tây áp đặt các chế tài đối với hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp Nga, Tổng thống Putin cho biết các ngân hàng Nga tới nay đã dành cho nền kinh tế Ukraine khoản tín dụng trị giá 25 tỷ USD. Tuy nhiên, trong khi các nước châu Âu và Mỹ, muốn giúp Ukraine, lại hạn chế đường tiếp cận của các ngân hàng Nga đối với các thị trường vốn quốc tế. Theo ông Putin, nếu các ngân hàng Nga sụp đổ thì Ukraine cũng sẽ phá sản. Nga có quyền yêu cầu phía Ukraine trả nợ trước hạn, song nếu như vậy, toàn bộ hệ thống tài chính của Ukraine sẽ sụp đổ. Ngoài ra, theo một điều kiện để Ukraine nhận khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD hồi năm ngoái, Bộ Tài chính Nga có quyền đòi nợ trước hạn nếu tổng số nợ của Ukraine vượt quá 60% GDP. Điều này, nếu xảy ra, có thể khiến toàn bộ hệ thống tài chính của Ukraine sụp đổ. Tuy nhiên, Nga đã đồng ý không làm như vậy, bởi Moskva không muốn làm trầm trọng thêm tình hình và muốn Ukraine phục hồi trở lại.
Bài phỏng vấn Tổng thống Nga, chỉ trong buổi tối, sau khi được phát lên mạng đã nhanh chóng nhận được trên 300 bình luận của người đọc, trong đó, rất nhiều bình luận đánh giá cao cách trả lời cũng như quan điểm của ông Putin. Một đọc giả nhận xét: "...Nga đã xử lý nhanh gọn, bởi nếu không thì Crimea nhiều khả năng giờ đây cũng đang tương tự như Đông Ukraine...".
Mạnh Hùng (PV / TTXVN taị Đức)