Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 1/7 đã công bố những đề xuất thay đổi trong hiến pháp để trao quyền hạn lớn hơn cho các khu vực, nhưng kiên quyết không đáp ứng đòi hỏi của các khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bản dự thảo hiến pháp mới sẽ giảm bớt sự kiểm soát của Tổng thống đối với các tỉnh và trao quyền rộng hơn cho các địa phương trong việc giám sát chi tiêu từ các khoản thu thuế của những vùng này. Tuy nhiên, bản dự thảo này không bổ sung quy chế "bán tự trị" cho một số vùng theo như yêu cầu của lãnh đạo các khu vực đòi độc lập, vốn đang kiểm soát một khu vực công nghiệp khoảng 3,5 triệu dân và ước tính chiếm tới 1/10 sản lượng kinh tế của đất nước Ukraine.
Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh hình thức phân quyền mới sẽ giúp hệ thống chính trị của Ukraine xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu. Ông Poroshenko cho biết những thay đổi này vẫn cần phải được Quốc hội Ukraine thông qua. Theo ông, phân quyền là một biện pháp nhằm bảo vệ Ukraine tránh rơi vào chủ nghĩa độc đoán và độc tài, đồng thời coi đây là một sự "văn minh".
Các khu vực Donetsk và Lugansk do lực lượng đòi độc lập kiểm soát đang đòi được hưởng quy chế bán tự trị và phải được ghi trong bản hiến pháp mới. Tuy nhiên, bản dự thảo của ông Poroshenko (dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội trong ngày 2/7), chỉ nhắc tới việc trao cho các khu vực đòi độc lập quyền tự trị tạm thời trong vòng 3 năm.
Phát biểu với truyền thông Nga, người đứng đầu lực lượng đòi độc lập Andrei Purgin tuyên bố tất cả những đề xuất của ông Poroshenko đều không nhận được sự tán thành trước của họ.
Ukraine đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài hơn một năm qua khiến nền kinh tế và đời sống người dân nước này gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), tính từ thời điểm bùng phát xung đột (giữa tháng 4 năm ngoái) đến nay tại miền Đông Ukraine, số người thiệt mạng đã lên tới 6.417 người, ngoài ra có khoảng 16.000 người bị thương.
Tuy nhiên, đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ và con số thực tế có thể cao hơn. Báo cáo LHQ cho biết cuộc xung đột tại Ukraine còn để lại những hậu quả tiêu cực đối với khoảng 5 triệu người dân, trong khi đó hơn 1,2 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.