Việt Nam được xem là một trong những nước có tỷ lệ trẻ bị tai nạn do đuối nước cao nhất trong khu vực. Để hạn chế số trẻ tử vong do đuối nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ em từ năm học 2010. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch trên vẫn gặp nhiều khó khăn.
Một nửa số trẻ bị tử vong là do đuối nước
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở nước ta, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và là nguyên nhân thứ hai ở các ca tử vong người lớn.
Nhằm hạn chế số trẻ em bị tử vong vì đuối nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ tiểu học từ năm 2010, song trên thực tế số trường dạy có phổ cập bơi cho học sinh còn rất hạn chế. Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện “xóa mù bơi” cho học sinh tiểu học và THCS. Đơn cử: quận Thủ Đức được xem là đơn vị đi đầu trong việc “xóa mù bơi” cho học sinh, từ khi thực hiện chương trình này, có khoảng 99% học sinh khối THCS và gần 80% học sinh ở khối tiểu học lớp 3 và lớp 5 được phổ cập môn bơi lội.
Trẻ được học bơi sẽ giảm tỷ lệ tai nạn do đuối nước gây ra. |
Bên cạnh đó, trong năm học vừa qua, UBND quận 1 cũng đã phối hợp với phòng giáo dục quận 1 tiến hành phổ cập bơi lội cho toàn bộ học sinh lớp 3 trên địa bàn. Tất cả học sinh lớp 3 đều được học bơi miễn phí, có xe đưa rước tận nơi và quận trả lương cho giáo viên dạy bơi.
Đại diện phòng Giáo dục huyện Bình Chánh cho biết: Việc dạy bơi cho trẻ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra là điều rất nên làm. Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh đã đưa vào giảng dạy thử nghiệm chương trình phổ cập dạy bơi cho học sinh các trường tiểu học và THCS trên toàn huyện. Học sinh bậc tiểu học và THCS sẽ được học bơi như học phần thể thao tự chọn trong phân phối chương trình của môn thể dục. Mỗi lớp tiểu học sẽ có 10 buổi học tại hồ bơi và THCS là 6 buổi. Huyện cũng đã chủ động phối hợp với 5 hồ bơi trên địa bàn để hỗ trợ dạy bơi cho học sinh.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đây là hoạt động nhằm nâng cao kiến thức tự phòng tránh tai nạn đuối nước và phổ cập kỹ năng nổi người, bơi lặn, cứu đuối cho học sinh các cấp.
Thiếu cơ sở vật chất
Việt Nam là một trong những quốc gia có số nạn nhân tử vong do đuối nước cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước. Đặc biệt các tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên vào các kỳ nghỉ hè trong năm và các mùa mưa lũ. Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam có 7.000 trẻ tử vong, trong đó có 3.500 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm tỷ lệ 50%. |
Theo ông Lê Văn Quang, chuyên viên môn giáo dục thể chất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, sau hai năm thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh, đến nay, chỉ có 69 trường THCS, 83 trường THPT và 40 trường tiểu học thực hiện được chương trình “xóa mù bơi”. Ông Quang nhìn nhận: Tại TP Hồ Chí Minh, bơi lội là môn thể thao được đưa vào hệ thống thi đấu Hội khỏe Phù Đổng nhưng việc tổ chức dạy bơi ban đầu vẫn còn nhiều hạn chế do cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn, đa số các trường đều không có hồ bơi, việc di chuyển đến các địa điểm bơi cũng gặp phải khó khăn về kinh phí và thiếu giáo viên phụ trách.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc “xóa mù bơi” cho học sinh nhưng phòng giáo dục quận Thủ Đức cũng gặp khá nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, khó khăn về kinh phí tổ chức đưa đón học sinh.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong số 1.000 trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn, mới chỉ có 20 trường có hồ bơi. Bắt đầu từ năm học 2010-2011, chương trình phổ cập bơi lội học đường được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh triển khai ở các trường từ tiểu học cho đến THPT. Cùng với đó, Sở cũng đã ký kết liên tịch với Liên đoàn Thể thao dưới nước để cơ quan này có trách nhiệm hướng dẫn trung tâm thể thao của các quận, huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí, chuyên môn…
Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh) cho biết: Trường chưa thể thực hiện phổ cập bơi cho học sinh bởi không có hồ bơi, nếu di chuyển tới hồ bơi thì gặp khó khăn. Đặc biệt toàn trường chỉ có một giáo viên phụ trách môn thể dục nên cũng không thể sắp xếp cho các em đến hồ bơi. Trường chỉ khuyến khích những gia đình nào có điều kiện thì nên cho trẻ đi học bơi.
Trong khi chờ các trường triển khai chương trình phổ cập bơi cho học sinh thì phụ huynh và thầy cô giáo trước mắt đành “dạy chay”, dạy để học sinh nhận thức và ý thức bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân trước mối nguy hiểm tai nạn do đuối nước xảy ra.
Bài và ảnh: Đan Phương