Tại Long An, các huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa đã xóa 11 dự án quy hoạch treo từ năm 2005, trả lại gần 1.600 ha đất cho nông dân tổ chức lại sản xuất.
Nguyên nhân dự án treo kéo dài là do các huyện nôn nóng chạy theo quy hoạch mà không cân nhắc khả năng thu hút đầu tư dẫn đến tình trạng thấy nơi nào có đường giao thông thuận lợi là quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu định cư, khu vui chơi, khu biệt thự vườn, làm mất đi nhiều diện tích đất sản xuất năm 2-3 vụ lúa. Trong đó, ngay cả vùng chuyên canh rau màu ở huyện Cần Giuộc và Cần Đước cũng giảm dần làm cho cuộc sống của người dân đảo lộn, gặp khó khăn, nhất là những nơi quy hoạch giải tỏa trắng. Mặt khác, khi quy hoạch giao cho các chủ đầu tư không xem xét năng lực nhà đầu tư hạ tầng, thiếu sự giám sát kiểm tra để dự án treo. Nhiều dự án như cụm công nghiệp xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc), cụm công nghiệp, cụm dân cư xã Long Khê (Cần Đước) với gần 280 ha đã quy hoạch từ năm 2006 sau đó thấy tính khả thi không có nên không tiến hành kê biên đền bù giải tỏa để dự án treo trong khi người dân không dám đầu tư sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Long Khê, Nguyễn Văn Sơn cho biết, đầu năm 2014, huyện mới công bố xóa quy hoạch treo cụm công nghiệp ở Long Khê trả lại hơn 150 ha đất cho nông dân sản xuất.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tiến hành rà soát từng dự án, điều chỉnh lại diện tích theo năng lực nhà đầu tư và khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp thuê đất xây dựng nhà máy phát triển sản xuất, đồng thời tiếp tục xóa ngay những dự án từ năm 2006-2008 đến nay vẫn để treo, không còn phù hợp với thực tế, tính khả thi thấp, để trả đất lại cho dân sản xuất. UBND tỉnh cũng kiên quyết không gia hạn thời gian dự án, xử lý nghiêm đối với những dự án chậm triển khai bằng cách thu hẹp diện tích của dự án.
Thanh Tuấn