Tranh cãi hình phạt “lạ kỳ” ở Séc

Cộng hòa Séc là một trong vài nước cuối cùng thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn cho phép bác sĩ áp dụng hình phạt “thiến nhân đạo” đối với những kẻ tội phạm tình dục. EU kêu gọi Séc từ bỏ hình phạt có từ thời Trung cổ này, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Praha.


Theo đài Radio Praha, từ 2 năm trở lại đây Séc đã bắt đầu siết chặt các quy định liên quan đến việc “thiến nhân đạo”; đối với các trường hợp phẫu thuật vì mục đích phòng ngừa thì đều bị cấm theo đề xuất của Bộ Ngoại giao và Bộ Nhân quyền Séc. Theo một điều luật có hiệu lực từ năm 2012, thì chỉ những đối tượng đã từng phạm tội tình dục mới bị buộc áp dụng sự “can thiệp ngoại khoa”. Tuy nhiên, châu Âu tiếp tục đòi hỏi Séc phải từ bỏ triệt để hình phạt này, cho dù là theo ý nguyện của bản thân đối tượng phạm tội.


Các nhà làm luật của Séc cũng có lý do riêng để bảo vệ quan điểm. Nhà nghiên cứu tình dục Růžena Hajnová ở Bệnh viện Tâm thần ở Brno cho biết: “Bây giờ việc phẫu thuật không giống như việc thiến hoạn thời Trung cổ. Ủy ban châu Âu chống bạo hành so sánh hành động này với những trò tra tấn thời Trung cổ, nhưng thật ra khi phẫu thuật người ta không cắt bỏ tinh hoàn hay dương vật, người ta chỉ đơn giản là loại phần hoócmôn ‘tăng động’ nhất ra khỏi tinh hoàn để dần dần thay đổi nội tiết tố của cơ thể”.


Theo chuyên gia Hajnová, có rất nhiều đối tượng đã được điều trị ở bệnh viện nơi bà làm việc suốt 50 năm qua nói rằng họ lấy làm tiếc vì đã không dám phẫu thuật sớm hơn. Sau khi được phẫu thuật, họ có thể tránh được nhiều rắc rối. Sự mê muội tình dục sau khi được “can thiệp ngoại khoa” dần nguội đi và đối tượng có thể hòa nhập xã hội.


Bà Růžena Hajnová khẳng định, sau 40 năm áp dụng hình thức “thiến nhân đạo” ở Séc, trước đây là Tiệp Khắc, họ chưa ghi nhận một trường hợp nào đối tượng khiếu kiện sau khi được phẫu thuật. Tiệp Khắc là một trong những nước đầu tiên ở châu Âu soạn ra cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc “thiến nhân đạo”. Đối tượng được cung cấp đầy đủ thông tin về các hình thức chữa trị và sau đó nếu anh ta lựa chọn phương pháp “phẫu thuật tinh hoàn” thì phải viết đơn đề nghị và khẳng định nguyện vọng của mình trước một hội đồng chuyên môn, mà trong đó có cả luật sư. Anh ta thậm chí có thể thay đổi quyết định của mình ngay trên bàn mổ. Nếu từ chối hình phạt “thiến nhân đạo” thì những đối tượng nguy hiểm, tái phạm chỉ có hai con đường - một là vào tù, hai là bệnh viện tâm thần.


Lý lẽ chính của những người ủng hộ hình thức “thiến nhân đạo” là việc này cho phép các đối tượng phạm tội tình dục có cơ hội được trở về cuộc sống bình thường, thay cho những ngày tháng “bóc lịch” trong nhà tù.q

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN