Trẻ dễ mắc bệnh vì “nghiện” mút tay

Theo BSCK2. Nguyễn Thị Kim Thoa, BV Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh, bú tay (còn gọi là mút tay), được cho là dấu hiệu trẻ khát sữa, xảy ra quen thuộc đến nỗi nhiều người lớn còn cho rằng là điều tự nhiên và rất bình thường. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cần lưu ý chỉnh sửa vì đây là một trong những thói quen phổ biến hàng đầu ở trẻ em tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Vừa qua, bé N.P.Q.P, 18 tháng, nhà ở TP.HCM đã phải nhập viện điều trị vì lở loét ngón tay cái của bàn tay bên trái. Mẹ bé Q. cho biết bé ”nghiền” bú tay từ lúc 3 tháng tuổi, sau khi cai sữa mẹ, trừ những lúc bú sữa bình, bé Q. bú tay suốt ngày, cả trong lúc chơi nghịch hay lúc ngủ. Quanh đầu ngón tay cái của bé Q. thường xuyên bị nứt, đỏ, sau một thời gian tự lành rồi lại tái phát. Gia đình bé Q. từng bôi dầu cay lên ngón tay, cũng hù dọa, đánh, phạt mỗi khi thấy bé toan bú tay nhưng không thành công.

Hai tuần trước khi nhập viện, bé Q. bị loét nhiều vết ở miệng, ăn uống kém hẳn nhưng vẫn không ngừng bú tay làm vùng da đang nứt ở ngón tay cái bị loét rộng, chảy nước nhiều hơn và mọc các mụn nước. Sau đó, cả ngón tay cái của bé bị sưng đỏ và chứa đầy mủ, các mụn mủ khác thi nhau xuất hiện. Bé Q. nhập viện trong tình trạng sốt cao, toàn thân cũng đỏ lên, không sao ăn uống được... Xét nghiệm máu cho kết quả cháu bị nhiễm trùng. Các bác sĩ phải trị liệu bằng tiêm thuốc kháng sinh, làm sạch mủ, và săn sóc vết thương cả tuần bé mới lành bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, bàn tay là vật trung gian tiếp xúc với những nguy cơ gây bệnh bên ngoài và truyền vào cơ thể, do đó việc ngậm, mút tay còn khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm: uốn ván, liên cầu lợn, tay chân miệng, tiêu chảy do Rota virút, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, viêm não virút... Do đó, ngoài việc tuyệt đối không cho trẻ ngậm, mút tay, các bậc cha mẹ còn cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bàn tay cho trẻ.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN