Trẻ em như búp trên cành - Bài 1: Đâu rồi văn chương

Mỗi dịp hè về, khi các em nhỏ có thể "xả hơi" sau những ngày tháng miệt mài đèn sách, cũng là lúc các bậc cha mẹ nghĩ tới việc nâng cao đời sống tinh thần cho con. Đọc truyện, xem phim, xem kịch... là những "phương pháp" được chọn nhiều nhất.


 

Văn hóa đọc cho trẻ em đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: Lê Phú

 

Nhu cầu thì lớn như vậy, nhưng xem ra để tìm được những sản phẩm tinh thần thực sự có giá trị "chân, thiện, mỹ", đồng thời lại phù hợp với tâm lý và lứa tuổi các em thì không phải là chuyện đơn giản.


Không còn là thời số lượng tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi ra đời mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ đây, không phải chỉ riêng dịp hè, mỗi tháng cũng phải tới vài chục đầu sách thiếu nhi ra đời, đủ thể loại, truyện tranh có, truyện dài có, truyện ngắn có; sách trong nước có, tác phẩm ngoài nước có. Cuốn nào cũng bìa đẹp, in đẹp, nhìn đã thấy mê. Tuy nhiên, nội dung tác phẩm văn học cho thiếu nhi thì còn rất nhiều chuyện phải bàn...

 

Nhiều bức xúc


Quyên Đỗ, một bà mẹ của 2 con ở phố Thái Hà (Hà Nội), bức xúc chia sẻ: "Những tác phẩm văn học hay, những cuốn truyện mà văn chương cuốn hút từ dòng đầu tiên tới dòng cuối cùng ngày càng hiếm. Vẫn là "Thần thoại Hy Lạp", vẫn là "Nghìn lẻ một đêm", nhưng đọc cứ khô khốc như tóm tắt truyện chứ không phải là truyện nguyên bản nữa. Tôi thật sự thất vọng khi mua cho con những cuốn truyện này".


Đó cũng là tâm trạng của chị Minh Ngọc (Vĩnh Phúc - Hà Nội), cũng là mẹ của cô con gái 7 tuổi. Rất chăm chỉ đi mua sách cho con đọc vì "em muốn con sau này viết văn tốt", nhưng nhiều cuốn truyện mua xong Minh Ngọc còn không dám cho con tự đọc, mà phải cầm sách đọc cho con vì: "Lỗi chính tả la liệt chị ạ, chưa kể thỉnh thoảng còn thấy cả những từ "đệm" mẹ, cha rất phản cảm. Không thể hiểu vì sao người ta lại có thể xuất bản những cuốn truyện như vậy cho trẻ em", Minh Ngọc cho biết.


Trên thực tế, nhằm "giản tiện" nội dung sách, rất nhiều NXB thay vì xuất bản nguyên tác phẩm văn học cho thiếu nhi, đã cắt gọt, lấy một số đoạn, thậm chí là viết lại theo văn chương của mình... Nội dung tác phẩm vì thế có thể vẫn nguyên, nhưng văn phong thì hầu như không còn, tác phẩm văn học như đã nói trên, trở thành một bản tóm tắt cộc lốc. "Thậm chí nhiều NXB giờ không thích xuất bản "truyện chữ", mà chuyển hết sang "truyện tranh" cho nó "nhanh", làm mất hết giá trị văn học của tác phẩm", chị Minh Hằng, một phụ huynh học sinh trường Lê Ngọc Hân cho biết.


Tất nhiên, lý do của việc các NXB chuyển sang làm truyện tranh cũng vì đáp ứng thị hiếu của trẻ em. Trên thực tế, khi được hỏi thể loại sách ưa thích, thì câu trả lời của các em đa phần là “truyện tranh”. Bé Bảo Nam (10 tuổi - Hà Nội) cho biết: “Cháu thích đọc truyện tranh vì hình ảnh trong truyện được minh họa rất sinh động, câu chữ cũng dễ hiểu nữa”. Còn Chiều Thu (chị của Bảo Nam), thì chia sẻ: “Cháu cũng thích đọc truyện tranh, hai chị em cháu có cả một tủ truyện “Ô Long Viện” ở nhà".


Ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Giám đốc NXB Kim Đồng: NXB đang nỗ lực thu hút độc giả, “kéo” các em nhỏ đến với mình thông qua việc tìm tòi, phát triển nhiều sách truyện hay. Bên cạnh việc biên tập sách, truyện nước ngoài chuẩn - chỉnh với văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, NXB luôn cố gắng để có thêm nhiều cuốn sách bổ ích, đẹp mắt dựa trên những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là bên cạnh việc phục vụ nhu cầu giải trí cho các em, thì cần phải đáp ứng việc giáo dục truyền thống, nhân cách, nâng cao kiến thức và trách nhiệm công dân.

Phải thừa nhận có những tác phẩm truyện tranh nội dung khá tốt, nhưng nhìn "bình diện" chung của truyện tranh hiện nay thì phần lớn là nội dung thiếu tính văn học, hình minh họa nhiều khi phản cảm, thậm chí có nhiều hình ảnh mang tính bạo lực... do việc biên tập, duyệt không được chặt chẽ, kỹ càng.


"Đọc truyện tranh nhiều khiến văn chương của con tôi cũng trở nên cộc lốc, khô khan, câu cụt lủn. Tôi thực sự lo lắng và đang phải tìm mua lại sách truyện thiếu nhi cũ để đọc cho con nghe, với mong muốn con sẽ tiến bộ hơn trong môn văn", chị Kim Oanh (Hải Phòng) chia sẻ.


Đó cũng là "nỗi niềm" của rất nhiều bậc phụ huynh, rằng hầu hết truyện tranh dành cho trẻ em hiện nay chưa đạt yêu cầu, ngôn ngữ còn “chợ búa”, lời lẽ khiếm nhã, câu từ cụt lủn, chưa kể đến một số “ngôn ngữ hành động” ở truyện tranh có nhiều chỗ thiếu tế nhị, đề cập đến cả những vấn đề “người lớn”.

 

Cần định hướng


Thời gian gần đây, vấn đề xây dựng văn hóa đọc được đặc biệt quan tâm, trong đó có văn hóa đọc của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa đọc, trước hết phải xây dựng ngay văn hóa trong các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi.


Chị Nguyễn Thu Trang (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, nhà chị có một cháu nhỏ 10 tuổi. Nếu để cháu tự chọn truyện thì cháu thường chọn những tác phẩm "Naruto", "7 viên ngọc rồng", "Shin - cậu bé bút chì". “Những truyện này đều là truyện tranh, chữ thì ít mà tranh thì nhiều. Điều đáng nói là những câu chữ trong truyện thường được rút ngắn tối đa. Các cháu đọc những truyện này chủ yếu để giải trí, chứ không thể tìm thấy ý nghĩa của câu từ ẩn chứa trong đó, vì vậy tôi rất hạn chế cho con đọc truyện tranh”, chị Trang cho biết.


Nhiều bậc phụ huynh đã thực hiện biện pháp “can thiệp” trong việc chọn sách, truyện cho con. Chị Nguyễn Thị Tư (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, bên cạnh truyện tranh, chị còn mua những cuốn sách văn học như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Những danh nhân văn hóa thế giới” về cho con đọc. Thường thì con chị không thích những tác phẩm này do ít tranh, lại nhiều chữ. Biện pháp của chị là đọc cùng con và cùng phân tích những hình ảnh đẹp trong từng câu chữ, trong nội dung câu truyện.


Phương Hà - Quỳnh Như

 

Bài cuối: Phim hoạt hình, ngoại vẫn "lấn" nội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN