Triển khai phòng chống dịch bệnh MERS

Ngày 3/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về công tác phòng chống và điều trị bệnh MERS-CoV. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường quản lý ca bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện nhằm đối phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết các bệnh dịch nguy hiểm ở Việt Nam như dịch SARS, H5N1 thường được phát hiện từ bệnh viện… Mặt khác, bệnh dịch MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (khoảng 2 tuần), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng và rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ WHO.

 Bộ Y tế, WHO và Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam tổ chức họp khẩn công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV. Ảnh: Dương Ngọc-TTXVN


Theo các chuyên gia của WHO, từ dịch SARS cho thấy kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho... Bên cạnh đó, tại các khoa khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế. Các bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.

Trong ngày 4/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại một số bệnh viện ở phía Nam. Đoàn sẽ kiểm tra công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh… trong bệnh viện. Cục cũng chỉ đạo các bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị MERS-CoV cùng với tập huấn điều trị các bệnh truyền nhiễm khác… Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất thuốc, trang thiết bị, kịp thời ứng phó với bệnh MERS-CoV; tập huấn cho cán bộ hướng dẫn chẩn đoán điều trị về bệnh MERS-CoV...

Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng tăng cường phối hợp cập nhật tình hình dịch bệnh và những người có nguy cơ từ vùng dịch về để quản lý và điều trị kịp thời.

Đến ngày 2/6, Hàn Quốc ghi nhận 25 ca nhiễm virus vùng Trung Đông MERS-CoV, trong đó 2 người tử vong (một phụ nữ 58 tuổi và một cụ ông 71 tuổi).

TP.HCM chủ đồng phòng chống dịch MERS

Trước sự bùng phát của Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virus Corona (còn gọi là MERS-CoV) tại Hàn Quốc và đã lây lan sang Trung Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh này từ các cửa khẩu, cảng quốc tế đối với hành khách đến từ Hàn Quốc.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 7 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với lượng hành khách từ 1.000 - 1.200 người.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Trung tâm chưa nhận được yêu cầu của Bộ Y tế về việc áp dụng tờ khai y tế đối với những hành khách đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung tâm đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng đối đối phó với dịch bệnh MERS-CoV.

Bệnh viện Nhân dân Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, nơi bệnh nhân người Hàn Quốc nhiễm MERS đang được điều trị cách ly, ngày 1/6. Ảnh: THX/TTXVN


Cụ thể, Trung tâm đã in sẵn khoảng 50.000 tờ khai y tế chuẩn bị áp dụng với các hành khách đến từ Hàn Quốc; chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, tăng cường máy đo thân nhiệt và đã có hóa chất khử trùng trên máy bay theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Khi có dịch bệnh nguy hiểm, phía Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hỗ trợ, bố trí lối đi riêng biệt đối với những hành khách đến từ các quốc gia có dịch để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Thời gian tới, để kiểm soát chặt chẽ dịch MERS-CoV, Trung tâm sẽ phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện biện pháp kiểm soát như với dịch Ebola; theo đó những hành khách đến từ Hàn Quốc sẽ đi theo lối đi riêng biệt, không lẫn với các hành khách đi từ chuyến bay khác.

Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất, đơn vị quản lý Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và kết nối với các đơn vị tuyến sau như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Y tế hàng không Tân Sơn Nhất... để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tình huống xử lý đối với dịch bệnh MERS-CoVcũng sẽ tương tự như các dịch bệnh nguy hiểm kiểm soát trước đó, chủ yếu thông qua máy đo thân nhiệt, bộ phận kiểm dịch sẽ phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, sau đó sẽ được cách ly ngay trong khu vực sây bay và kiểm tra triệu chứng…

Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong ngành hàng không giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, trường hợp nghi ngờ mắc MERS-CoV.

Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như công dân, người lao động, khách du lịch, tiếp xúc làm công việc nông trại liên quan đến lạc đà thuộc các quốc gia khu vực Trung Đông nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không.

Ngành hàng không tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền cho hành khách, tổ bay và cán bộ, công nhân viên về diễn biến tình hình lây, nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp do vi rút MERS-CoV và các biện pháp phòng, chống...

Đối với các Cảng vụ Hàng không khu vực, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hành khách đi máy bay từ vùng có dịch vào Việt Nam, đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật về hàng không, kiểm dịch y tế để hạn chế tối đa việc lây, nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp do vi rút MERS-CoV.





PV
Hàn Quốc: Hơn 200 trường học đóng cửa vì MERS
Hàn Quốc: Hơn 200 trường học đóng cửa vì MERS

Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Hwang Woo-yea cho biết 209 trường học, tức là hơn 1% tổng số trường của nước này, đã đóng cửa do lo ngại sự lây lan của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN