Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh là vị Bộ trưởng cuối cùng lên sóng chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng tối 30/12/2012, trong chương trình thời sự trên kênh VTV1- Đài THVN. Lần thứ 3 ngồi “ghế nóng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đưa ra những dự báo khả quan cho triển vọng của nền kinh tế trong năm 2013.
Cùng hy vọng
Nhiều “sóng to gió cả” đã đổ xuống nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Dù đã có những khó khăn lớn từ năm 2011, song như đánh giá của rất nhiều chuyên gia, thì chưa có năm nào những người làm kinh tế, kể cả những người làm lãnh đạo như Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, lẫn người làm thuê, lại mong cho năm 2012 chóng qua đến như vậy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Đến giờ phút này, thì năm tài chính 2012 cũng đã khép lại. Và dù là đến theo chiều nào, lỗ hay lãi, được hay mất, thì những con số cũng đều đã tạm dừng nhảy múa. Nhưng cánh cửa 2012 khép lại, thì cũng là lúc cánh cửa 2013 mở ra. Ở thời điểm mọi điều đều là tương lai, thì tất cả đều đang tự cho phép mình hy vọng vào một triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
Chia sẻ niềm hy vọng này với những câu hỏi gửi về chương trình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Năm 2013 chắc chắn sẽ có khởi sắc. Khởi sắc từ những bài học mà chúng ta đã rút ra được ở năm 2012.
Bày tỏ sự chia sẻ với việc trong năm 2012 vừa qua có nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, nhiều người lao động không có việc làm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Đây là điều chúng ta rất đau xót và rất không mong muốn!
Theo Bộ trưởng, trong năm 2013, chúng ta vẫn phải quan tâm tới việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tuy nhiên, cũng sẽ phải đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý, vì nếu không tăng trưởng ở mức hợp lý thì vấn đề an sinh xã hội, trong đó có vấn đề tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân sẽ không đạt được. “Trong năm 2013, mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ trình Quốc hội và đã được Quốc hội thống nhất thông qua là 5,5% tăng trưởng GDP (cao hơn năm 2012 là 0,5%). Nếu chỉ xét về đầu tư ngân sách nhà nước thì năm 2013 sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên hiện nay Chính phủ đang tập trung để tháo gỡ các khó khăn, bằng cách: Vẫn phải đẩy tổng đầu tư toàn xã hội tăng lên, vì nếu để nó tiếp tục giảm xuống dưới 30% như năm 2012 này, thì chắc chắn tình hình sẽ gặp khó khăn. Tín dụng sẽ phải tiếp tục được tháo gỡ. Sẽ phải giảm lãi suất cho vay, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn này. Rõ ràng khi doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn lớn, dư nợ tín dụng trong nước tăng lên, thì cơ hội tạo ra việc làm cho các doanh nghiệp sẽ tăng lên rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về câu hỏi, liệu năm 2013, giới kinh doanh có thể “tránh xa” các cụm từ đáng sợ “thua lỗ, phá sản, giải thể, thu hẹp, cầm chừng” mà họ đã phải nghe quá nhiều trong năm 2012 hay không, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ: Một khi kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với những quyết liệt trong tái cơ cấu, thì chắc chắn sẽ có những khởi sắc với các doanh nghiệp. Cụ thể, sẽ triển khai mạnh mẽ 3 đột phá của tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, tháo gỡ những then chốt nhất như là vấn đề nợ xấu để cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với vốn. Cụ thể, là có thể giảm lãi suất cho vay phù hợp với tăng giá tiêu dùng… Với những giải pháp như vậy thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ có nguồn sinh khí mới khi được tiếp cận với dòng vốn mới của năm 2013. “Cộng với đó là sự thúc đẩy kích cầu toàn xã hội tăng lên, sự hồi phục kinh tế của năm 2013 tôi tin rằng sẽ tốt hơn, như vậy thì những cụm từ phá sản, thu hẹp sản xuất, thua lỗ… chưa thể hết được, nhưng sẽ giảm hơn so với năm 2012”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phải có kịch bản cho từng lần tăng giá
Đó là điều được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặc biệt khẳng định. Theo đó, trong năm 2013 có thể sẽ tiếp tục tăng giá một số dịch vụ xã hội, và điều này là cần thiết, tuy nhiên, mỗi lần tăng giá sẽ phải có một kịch bản được thông qua bởi “nhạc trưởng” là Chính phủ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích: “Tôi nói thí dụ giá dịch vụ y tế vừa qua tăng là chính đáng, vì mười mấy năm qua chúng ta không tăng nên giá hiện nay là quá thấp, trong khi chúng ta đang cần có một dịch vụ chất lượng cao. Rồi trong giáo dục cũng như vậy. Đặc biệt trong giao thông, sẽ đến lúc chúng ta cũng phải xem xét lại để có phí giao thông hợp lý nhất, vì nếu anh không đi theo kinh tế thị trường, thì anh không có cơ hội, có nguồn lực để đầu tư trở lại cho nó, và nền kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, cho nên việc tăng hợp lý theo cơ chế thị trường, để giá dịch vụ phản ánh đúng bản chất của nó, là một yêu cầu thực tế khách quan mà nền kinh tế phải đi tới”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta phải có một sự điều tiết, một nhạc trưởng chặt chẽ, đó là Chính phủ, để làm sao dự báo được về việc khi nào nên tăng giá, tăng mức bao nhiêu, và tác động của việc tăng giá này tới xã hội ra sao. “Bộ Công thương, Bộ Tài Chính phải phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư trong vấn đề này. Trong đó, Bộ KHĐT là cơ quan tính giá. Tổng Cục thống kê của Bộ KHĐT là đơn vị dự báo và thống kê toàn bộ việc tăng giá tiêu dùng CPI, nên chúng ta hoàn toàn có căn cứ khoa học để dự báo được rằng, khi tăng giá xăng, điện, thì tác động của nó lan toả trong nền kinh tế như thế nào, CPI sẽ tăng lên bao nhiêu? Như vậy, Chính phủ cần chỉ đạo 3 bộ này ngồi với nhau, để cung cấp được các kịch bản tăng giá”.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “bài học” kịch bản này cũng xuất phát từ những điều chúng ta đã “vấp” trong năm 2012. Năm 2012, lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng- CPI) vẫn là điều ám ảnh với cơ quan hoạch định, điều hành chính sách, với doanh nghiệp và với từng người dân. “Chính vì lạm phát dẫn tới làm đồng tiền của Việt Nam mất giá, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp không tin vào đồng tiền Việt Nam, làm lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt. Doanh nghiệp không thể nào có lãi được trong điều kiện như vậy, để lại rất nhiều hậu quả cho nền kinh tế. Kết thúc năm 2012 này, chỉ số lạm phát chỉ có 6,81%, trong khi chỉ tiêu chúng ta đặt ra là dưới 10%. Đây là một thành quả rất tốt. Tuy nhiên, lẽ ra chúng ta có thể để cho CPI cao hơn một chút, nếu nó ở mức khoảng 7,5% là phù hợp, vì chúng ta không phải chỉ có mục tiêu duy nhất là phải kiềm chế lạm phát chặt chẽ như vậy, mà cần phải có những bước đi để nó giảm dần và tương thích với những vấn đề về phát triển”, Bộ trưởng cho biết.
Được biết, năm 2013, chỉ số CPI chúng ta đặt ra là thấp hơn 6,81% (Thủ tướng đã công bố là khoảng trên dưới 6% ). Đây sẽ là một mục tiêu rất quyết liệt và không phải dễ dàng để thực hiện được như đánh giá của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta vẫn hy vọng sẽ bảo đảm được mức chỉ tiêu trên dưới 6% của năm 2013. Bên cạnh đó, vẫn có thể đáp ứng được một số yêu cầu về tăng giá theo một lộ trình hợp lý và cần thiết, từ đó thúc đẩy cơ chế cho nền kinh tế của Việt Nam tăng lên.
T.Anh