Triển vọng nghề nuôi cá lồng

Hiền Lương là xã vùng hồ sông Đà, thuộc huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình mới ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn vài năm nay. Ngoài cây ngô, tre luồng, thì nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh đã giúp cuộc sống của bà con các dân tộc Mường, Dao, Tày nơi đây ngày một ấm no.

 

Nuôi cá lồng ở xã Vầy Nua, huyện Đà Bắc (Hòa Bình).

 

Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm quan 12 lồng cá của hộ bà Đinh Thị Im (dân tộc Mường), ở xóm Doi, xã Hiền Lương, chị Đinh Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã cho hay, trước đây, gia đình bà Im cũng chỉ có 2 lồng cá. Thấy hiệu quả nên gia đình tiếp tục đầu tư nuôi thêm 10 lồng nữa. Nay bà Im còn chuyển hướng sang ương 2 lồng cá trê lai, trắm cỏ làm giống, bán cho bà con trong vùng. Nhờ tích cực học hỏi cùng tính cần cù chịu khó nên bà Im nuôi cá lồng ngày càng cho thu nhập cao.


Bà Đinh Thị Im cho biết, nguyên vật liệu làm lồng chủ yếu là khung sắt, lưới và phao nhựa dùng để nâng lồng. Tính trung bình mỗi chiếc lồng như vậy đầu tư hết khoảng 8 - 10 triệu đồng. Còn lồng làm bằng tre hoặc luồng hết khoảng 4 - 5 triệu đồng. Chủ yếu thả các loại cá như trắm cỏ, trê lai, rô phi đơn tính và cá chày mắt đỏ. Mật độ thả 200 con/lồng 24 m2. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ và thức ăn tinh, phụ phẩm nông nghiệp của gia đình sản xuất được, không phải mua thức ăn công nghiệp, nên tiết kiệm được đầu vào. Tùy vào loại cá mà nuôi 1 năm/lứa hoặc 1 năm/2 lứa (rô phi đơn tính). Bình quân năng suất thu được hơn 2 tạ cá/lồng. Cá thương phẩm gia đình bà xuất bán đạt 2 - 3 kg/con (cá trắm cỏ), 0,8 - 1 kg/con (rô phi đơn tính), 2 - 3,5 kg (trê lai). Thương lái ngoài thành phố Hòa Bình vào thu mua với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại. Một năm gia đình bà xuất bán được hơn 25 tạ cá, trừ chi phí còn lãi hơn 160 triệu đồng.


Không chỉ hộ bà Im, mà nhiều hộ khác trong xóm cũng có thu nhập vài chục triệu đồng một năm từ nghề nuôi cá lồng. So với nghề đánh bắt cá trên sông thường bấp bênh, kém hiệu quả, nghề nuôi cá lồng thực sự là một hướng đi có tính bền vững.


 

Nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo ông Xa Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, ban đầu, một số hộ trong xã nuôi cá lồng tự phát, sau thấy hiệu quả, bà con trong vùng mạnh dạn đầu tư. Hộ nhiều nuôi 8 - 10 lồng, hộ ít nuôi 1 - 2 lồng, cải thiện cuộc sống. Với lợi thế 915 ha diện tích mặt nước trải dài qua các xóm: Doi, Mơ, Ké, xã Hiền Lương đang phát triển phong trào nuôi cá lồng, bước đầu hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung mang tính hàng hóa. Hiện Hiền Lương có gần 60 lồng cá các loại, tổng sản lượng khai thác, đánh bắt cá trên mặt hồ năm 2012 đạt trên 300 tấn. Trạm Khuyến nông huyện Đà Bắc đã hỗ trợ bà con về giống, thuốc phòng bệnh và kỹ thuật nuôi sao cho đạt hiệu quả nhất, thông qua các chương trình dự án giảm nghèo như Chương trình 135. Hiện tại, mô hình nuôi cá lồng ở huyện vùng cao Đà Bắc đang phát triển rộng ở các xã dọc vùng lòng hồ như Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong, bước đầu người dân đã thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi cá lồng.


Đặc biệt, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hòa Bình, tháng 11/2012, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hòa Bình) đã xây dựng mô hình thử nghiệm ương giống cá tầm trong bể và nuôi thương phẩm bằng lồng lưới tại xã Hiền Lương. Đây là một trong những loại cá có giá trị thương phẩm cao. Tuy nhiên, cá vốn chỉ phù hợp với môi trường nước lạnh nên rất khó nuôi trong điều kiện thời tiết khí hậu nước ta. Đáng mừng là, sau hơn 4 tháng nuôi thử nghiệm 2 lồng với 2.000 con cá tầm trên vùng hồ Hiền Lương, cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trọng lượng 3 kg, tăng trung bình 0,4 - 0,6 kg/tháng, không xảy ra dịch bệnh. Việc nuôi cá tầm thành công ở xã Hiền Lương sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng hóa trong cơ cấu nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Đây sẽ là một hướng sản xuất hàng hóa góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các xã vùng lòng hồ sông Đà.


Bài và ảnh: Nhan Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN