Trồng cam giúp người dân huyện miền núi giảm nghèo

Những năm qua, người dân huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã đưa cây cam vào trồng trên địa bàn ở các xã vùng cao để nâng cao thu nhập.

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và áp dụng nhiều khoa học kĩ thuật mới trong sản xuất nên các hộ dân trồng cây cam đã có thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao, có hộ nhờ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP nên đã vươn lên làm giàu, tạo thêm việc làm cho các lao động địa phương, có chỗ đứng ổn định trên thị trường với chất lượng tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chú thích ảnh
Thu hoạch cam tại Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: baothanhhoa.vn

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Như Xuân, trên địa bàn hiện có hơn 300 ha, các xã có diện tích trồng cam lớn nhất là Xuân Hòa 143 ha, Xuân Bình 40 ha, Bãi Trành 30 ha. Với giá bán bình quân tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg, bà con có doanh thu trên 500 triệu đồng/ha cam kinh doanh. Nhiều hộ nông dân trồng cam có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhờ cây cam trong mỗi niên vụ sản xuất.

Hiện cây cam không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình và qua đó góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Như Xuân. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam, Như Xuân và thu hút doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, UBND huyện Như Xuân đang quan tâm, xây dựng thương hiệu cam Như Xuân. Các cơ quan, đoàn thể các cấp trong huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền để các hộ trồng cam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quy trình sản xuất.

Đến nay, 100% các hộ trồng cam trên địa bàn huyện đã ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản an toàn; nhiều hộ đã đăng ký để xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định chấp thuận cho cho phép sử dụng địa danh Như Xuân để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Cam Như Xuân".

Theo ông Lê Minh Hải, thôn 8, xã Xuân Hòa cho biết, trước đây ông có trồng các loại cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, sau khi được cán bộ nông nghiệp UBND xã Xuân Hoà tư vấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật về trồng cam, ông Hải đã vay vốn người thân để xây dựng vươn trồng cây cam.

Nhờ sự cố gắng trong công việc cùng tinh thân ham học hỏi, tới nay ông đã có 3 ha trồng cam, ông cũng trồng các loại cây khác như bưởi, trồng rau, chăn nuôi gia súc. Hiện thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông khoảng 80 triệu/năm

Ông Chử Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Thành Công Cho biết, năm 2015, Hợp tác xã bắt đầu xây dựng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ cố gắng chăm sóc, vun vén, tới nay hợp tác xã đã có 20 ha trồng cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Xuân Hòa và xã Cát Tân, hiện trồng cây cam mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác tại địa phương.

Vụ thu hoạch cuối năm 2019 và đầu năm 2020 với hơn 10 ha trồng cam, hợp tác xã thu hoạch được 170 tấn. Sản phẩm cam được bán tại thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Hiện thu nhập bình quân mỗi của hợp tác xã là 700 triệu và tạo việc làm thường xuyên cho 20 động với mức lương 7 triệu/người/tháng.

Nói về hiệu quả việc trồng cây cam, Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho hay, xã đang có 30 hộ trồng 173 ha cây ăn quả, trong đó có 120 ha trồng cây cam, do cây cam trồng sau 3 năm có thể thu hoạch nên những năm gần đây đã có nhiều hộ gia đình trồng nhiều diện tích cam để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ trở nên khá giả bởi giá trị lợi nhuận cao hơn rất nhiều những cây trồng khác, có hộ trồng 10 ha trở lên sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động để chăm sóc, bón phân cho cây.

Ngoài ra, thời kỳ cao điểm thu hoạch cam mỗi hộ gia đình sẽ phải thuê từ 30-40 lao động. Hiện cây cam có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, lại được thương lái vào tận vườn thu mua nên hầu hết đều được đóng thùng vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Theo ông Phạm Văn Tuấn, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân thì Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng, nông lâm thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với các UBND xã và các hộ trồng cam trên địa bàn xã Xuân Hòa, Xuân Bình, Bãi Trành để bàn về vấn đề phát triển trồng cam theo chuỗi liên kết và sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hướng tới hình thành vùng sản xuất cam tập trung, chuyên canh đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 50 ha trên địa bàn xã Xuân Hòa, Bãi Trành.

Chú thích ảnh
Trồng cam đã giúp nhiều hộ gia đình tại huyện Như Xuân đã nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: baothanhhoa.vn

Hiện các hộ dân đã ủng hộ và có nguyện vọng tham gia xây dựng mô hình, phòng nông nghiệp huyện Như Xuân cũng đang hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu, lô gô sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và khẳng định được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập từ trồng cam, xóa đói giảm nghèo.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Nỗ lực giảm nghèo nơi vùng biên giới Đức Cơ, Gia Lai
Nỗ lực giảm nghèo nơi vùng biên giới Đức Cơ, Gia Lai

Là địa bàn vùng biên của tỉnh Gia Lai, huyện Đức Cơ hiện có trên 19.000 dân, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 21% với 40/73 thôn, làng đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN