Cao Bằng là một trong những địa phương tìm được khá nhiều trống đồng quý hiếm, có giá trị cao về lịch sử. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đang lưu giữ, trưng bày bộ sưu tập trống đồng gồm 16 chiếc trống và 1 mặt trống. Tại các địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm vẫn còn nhiều trống đồng đang được cất giữ, sử dụng như một vật của dòng họ.
Việc tìm thấy nhiều loại trống trên một địa bàn (thậm chí một xã) là hiếm gặp ở nước ta. Nó cho thấy nền văn hóa trống đồng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử cộng đồng người Lô Lô ở Cao Bằng. Ông Phùng Chí Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng cho biết: Số trống đồng cất giữ tại Bảo tàng Cao Bằng chủ yếu có nguồn gốc của người Lô Lô sinh sống tại huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc. Người Lô Lô lưu giữ và sử dụng trống đồng như một báu vật linh thiêng nhất của dân tộc mình. Qua tài liệu dân tộc học cho thấy người Lô Lô đã biết chế tác và sử dụng trống đồng cách nay gần 1.800 năm. Đến nay, người Lô Lô là tộc người duy nhất ở nước ta còn sử dụng trống đồng cổ trong sinh hoạt tín ngưỡng và nghi lễ.
Trống Nam Quang 1 được tìm thấy tại xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm. |
Trống đồng của người Lô Lô là nhạc cụ chỉ dùng trong nghi lễ chôn người đã khuất. Trống đồng là tài sản của từng dòng họ. Khi có người trong dòng họ qua đời, người Lô Lô sẽ dùng 3 cặp trống, mỗi cặp có một trống đực và một trống cái để thực hiện nghi lễ chôn cất. Vì tập quán kiêng kỵ dùng trong đám ma nên trống đồng thường để ở bên ngoài nhà, khi nào có người mất thì mang ra dùng. Trước đây, vì cuộc sống vất vả nên người Lô Lô thường phải di cư liên tục, nhưng đi đâu họ cũng mang theo những chiếc trống. Người Lô Lô quan niệm, nếu không có tiếng trống đồng dẫn đường thì hương hồn của người quá cố không thể về với tổ tiên được.
Trống Đoóng Đèn được tìm thấy tại huyện Trùng Khánh. |
Trống đồng ở Bảo tàng Cao Bằng được chia làm 4 nhóm: 7 trống thuộc loại Heger I; 4 trống thuộc loại Heger I - IV; 3 trống thuộc Heger IV; 2 trống thuộc Heger II (Heger I, hoặc II, III, IV là cách phân loại niên đại của trống). Trống Nam Quang 1 (số phân loại tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng) được phát hiện vào năm 2004, do Công an Hà Nội chuyển giao từ vụ buôn đồ cổ, có nguồn gốc tại xã Nam Quang (Bảo Lâm). Trống có nhiều đặc điểm hình dáng và hoa văn tương đồng với trống Vĩnh Ninh ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (là trống Đông Sơn nhóm B, thuộc Văn hóa Đông Sơn). Từ so sánh trên cho thấy, trống Nam Quang 1 là sản phẩm của Văn hóa Đông Sơn, có niên đại trước Công nguyên vài ba thế kỷ.
Trống Cốc Pàng 4 được tìm thấy năm 1993 tại xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc. |
Trống đồng Cao Bằng có những loại khác nhau, nhưng đều có những đặc điểm chung: Nhiều trống có cùng một kiểu ngôi sao có tâm là khối tròn nổi, nhiều trống có những lỗ khoan chỉnh âm, nhiều trống có màu gỉ đen xanh. Trống Heger IV ở Cao Bằng là một loại hình mới, có thể xem là loại hình miền núi của trống Đông Sơn muộn, là sự bảo lưu, nối tiếp truyền thống Đông Sơn.
Qua số lượng các trống đồng tìm được ở Cao Bằng hiện có ở Bảo tàng và còn lưu giữ trong nhân dân, có thể thấy cộng đồng cư dân cổ ở Cao Bằng dùng trống Heger IV và I-IV khá nhiều, chủ yếu gặp trong vùng đồng bào dân tộc Lô Lô tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc.
Mặc dù có giá trị khảo cổ, lịch sử rất lớn, nhưng hiện nay, trống đồng Lô Lô ở Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều trống đồng đang được cất giữ trong các gia đình người Lô Lô chưa có giải pháp bảo vệ một cách hợp lý.
Những năm trở lại đây, nhiều trống của người Lô Lô đã bị mất trộm. Người Lô Lô phải chuyển hình thức cất giữ sang chôn giấu xuống đất. Đời cha làm lễ cho ông xong đem chôn trống xuống đất, đến khi cha qua đời, đã trải qua một thời gian dài nên con tìm trống rất khó. Hoặc bị kẻ xấu biết nơi chôn giấu đã đào trộm... Vì thế mà trống đồng của người Lô Lô đã mất mát nhiều. Trước đây, mỗi dòng họ thường có đủ 3 cặp trống, nhưng nay rất ít khi còn đủ 3 cặp, thường chỉ còn 1 hoặc 2 cặp và phải mượn nhau khi cần sử dụng. Hiện nay người Lô Lô cơ bản đã đem trống vào nhà cất giữ, khi có người chết mới mang ra sử dụng.
Theo ông Phùng Chí Kiên, để giúp người Lô Lô bảo vệ được cổ vật của mình, cần tuyên truyền để người dân đăng ký cổ vật. Khi đó, cổ vật sẽ được bảo vệ bởi Luật Di sản văn hóa, người dân có quyền giữ, trao đổi, chuyển nhượng trong khuôn khổ pháp luật.
Thế nhưng, việc tuyên truyền để người dân hiểu và đăng ký là rất khó khăn, bởi trống nằm rải rác trong nhà dân ở vùng sâu, vùng xa và họ nghĩ đơn giản rằng đã là của mình thì không cần phải đăng ký. Mặt khác, việc thẩm định cổ vật cũng mất nhiều thời gian, kinh phí do phải mời chuyên gia đến thẩm định, và theo quan niệm từ xưa, không có đám ma chủ nhà không mang trống ra dùng. Do đó, bảo vệ trống đồng vẫn đang lúng túng chưa tìm được cách thức hữu hiệu.
Quốc Đạt