Trồng màu trên đất lúa

Kể từ khi chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đời sống của nhiều hộ nông dân ở các tỉnh vùng ĐBSCL ngày càng tốt hơn. Nhất là khi công tác chuyển đổi này được gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.


Niềm vui của nhà nông


Đứng ở ruộng bắp bạt ngàn đang giai đoạn kết hạt với diện tích hơn 13.000 m2, ông Võ Thanh Quang ở ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) vui mừng nói: “Vụ bắp năm nay, nông dân tụi tôi vui mừng lắm. Bởi kể từ khi chuyển qua trồng cây bắp, đây là mùa vụ đầu tiên được công ty Ecofarm cam kết thu mua và còn hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, phân chất lượng với giá rẻ hơn đại lý bên ngoài cho bà con nên cây phát triển tốt quá”.


 

Ông Võ Thanh Quang vui mừng vì cây bắp phát triển tốt.

 

Theo ông Quang, vùng đất ở ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông vốn là vùng đất xám bạc màu, nguồn nước khan hiếm, làm lúa thì chỉ lời khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha/năm nếu như giá cả ổn định. Nhưng kể từ khi chuyển qua trồng bắp, lợi nhuận đã nhân đôi. Ông Quang bẻ một trái bắp non trên thân cây và chỉ cho chúng tôi xem những hạt bắp vàng ươm, đều tăm tắp, ông nói: “Đây là giống DK 9901. Giống này bà con được công ty cung cấp với đặc tính là cứng cây, chống đổ ngã và năng suất cao. Theo tính toán của tôi cùng với kinh nghiệm từ những vụ trước thì chi phí đầu tư khoảng 22 triệu đồng/ha trồng bắp và thu lãi bình quân khoảng 14 triệu đồng/ha. Công ty cam kết với tụi tôi sẽ thu mua bắp cao hơn giá thị trường”.


Sau khi có chủ trương liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp từ ngành nông nghiệp huyện, ông Quang đã ra sức vận động bà con nông dân tham gia. “Tôi vận động được 15/22 hộ đang là hội viên câu lạc bộ nông dân ở ấp Bình Lợi tham gia. Đến bây giờ, những hộ nông dân tham gia liên kết đều vui mừng vì cây bắp đang phát triển tốt, bà con nông dân chịu khó, lấy kinh nghiệm làm nông đúc kết lại để trồng. Cũng nhờ được hướng dẫn kỹ thuật về ngày xuống giống, ngày rãi phân nên cây bắp mới tốt tươi như vậy”, ông Quang chia sẻ.


Ông Quang chỉ tay về phía ruộng bắp trồng giống DK888 bị đổ ngã, còi cọc: “Đó là ruộng của mấy hộ không tham gia vào liên kết và hậu quả từ việc xài giống DK888 đã bị thoái hóa và không làm đúng theo khuyến cáo, sử dụng phân vô tội vạ và không đúng ngày. Qua vụ này, tôi xem như là mô hình trình diễn cho bà con coi. Đến cuối vụ, tôi đề xuất với xã tổ chức buổi hội thảo để bà con đánh giá lại và rút kinh nghiệm. Điều tôi mong muốn là vụ sau được doanh nghiệp hỗ trợ thêm máy móc để giảm thêm chi phí sản xuất. Hiện nay chúng tôi còn phải đi thuê máy bên ngoài”, ông Quang quả quyết.


Không chỉ bà con nông dân ở Hòa Khánh Đông, bà con ở xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng đã trải qua vài vụ bắp có sự liên kết với “4 nhà” và được cung ứng đầu vào như giống, kỹ thuật, phân bón, được bao tiêu sản phẩm đầu ra...


Xóa thế độc canh


Cũng nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa không hiệu quả, việc chuyển sang trồng thanh long của nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã tạo ra thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, thanh long chong đèn nghịch vụ và thanh long ruột đỏ có thể còn cho lợi nhuận cao hơn. Chính vì vậy, diện tích đất lúa ở Long An có xu hướng giảm, trong khi diện tích thanh long lại mở rộng rất nhanh.


Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi cây trồng đang diễn ra rất sôi động, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những mô hình trồng cây màu trên đất lúa ở ĐBSCL. Đây là sự thay đổi linh hoạt, thích ứng thị trường của người nông dân nhằm bảo toàn tối đa lợi nhuận trên mảnh đất của mình, giảm áp lực phải tiêu thụ lúa gạo đang dư thừa lớn.


Theo Cục Trồng trọt, các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ tập trung chuyển đổi cây trồng trong vụ lúa xuân hè và hè thu. Cụ thể, lúa xuân hè hàng năm có khoảng 150.000 - 200.000 ha gieo sạ khoảng thoáng 2, 3 dương lịch tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh... Tuy nhiên nhiều nơi năng suất thấp từ 3,5 - 4,2 tấn/ha, bấp bênh vì thiếu nguồn nước tưới trong suốt vụ sản xuất do nằm trong các tháng mùa khô. Việc hạn chế vụ này sẽ bảo vệ được hơn 1,6 triệu ha lúa hè thu ít bị ảnh hưởng bởi sự lan truyền dịch hại. Còn đối với vụ hè thu, do năng suất lúa thấp, chất lượng lúa gạo kém hơn so với vụ đông xuân và thu đông nên khó tiêu thụ. Vì vậy chủ trương chuyển đổi diện tích lúa hè thu ở những vùng phải xuống giống muộn trong tháng 5 và những nơi năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha.


Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Vấn đề độc canh cây lúa, về mặt lâu dài xem như mình chỉ có một loại cây trồng. Nếu đến khi xảy ra những biến cố nào đó thì mình xoay trở không kịp. Do vậy ngay từ lúc này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một nhiệm vụ rất quan trọng. Giúp cho bà con nông dân thấy được hiệu quả của đa dạng hóa sản xuất và thấy được cái áp lực về cây lúa, đặc biệt là vấn đề môi trường”.


Bài và ảnh: A.Đ

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN