Trung Quốc đối phó tình trạng “chưa giàu đã già”

Sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc tuyên bố khởi động thực hiện chính sách nếu cặp vợ chồng có một người là con một thì có thể sinh hai con. Động thái này được coi là sự điều chỉnh chính sách lớn của Trung Quốc nhằm đối phó với vấn đề lão hóa đang ngày một trầm trọng và ngăn chặn tình trạng “chưa giàu đã già” của nước này.


 

Gia đình "một con" trên đường phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình vào năm 1978 và coi đây là quốc sách cơ bản. Theo thống kê của Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình, nhờ chính sách trên mà Trung Quốc đã giảm được hơn 400 triệu người, làm giảm nhẹ sức ép của việc tăng dân số quá nhanh đối với môi trường tài nguyên. Tuy nhiên, cùng với tỷ lệ sinh không ngừng giảm, nước đông dân nhất thế giới này đang đối mặt với vấn đề kinh tế xã hội và dân số mới.


Theo số liệu tổng điều tra dân số lần thứ sáu của Trung Quốc, từ năm 2000 trở lại đây, tỷ lệ tăng dân số trung bình năm của Trung Quốc chỉ là 0,57%, ở vào giai đoạn có mức sinh thấp; tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm tới 13,26% tổng dân số và sẽ còn tăng nhanh trong khi tỷ lệ thiếu niên dưới 14 tuổi trong tổng dân số đã giảm xuống mức thấp, mới 16,6%.


Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã bước vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người vượt 6.000 USD, nhưng cùng với tỷ trọng dân số già ngày một tăng cao, Trung Quốc sẽ có nguy cơ trở thành nước “chưa giàu đã già” đầu tiên trên thế giới. Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân số, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Thái Phương nhận định cùng với tình trạng dân số lao động giảm xuống, “lợi ích dân số” kéo dài nhiều năm nay ở Trung Quốc sẽ có điểm ngoặt mới. Biểu hiện trực quan nhất của việc suy giảm “lợi ích dân số” là tình trạng khan hiếm người làm công từ duyên hải tới nội địa những năm gần đây.
Ngoài ra, do giá thành lao động không ngừng tăng lên, phần lớn ngành may mặc, giày dép lại chuyển từ sản xuất tại Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, các hãng sản xuất đồ thể thao như Nike, Adidas cũng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, một số ngành chế tạo cao cấp lại quay về Mỹ và Nhật Bản. Kinh tế Trung Quốc đối mặt với thách thức nghiêm trọng “rỗng hóa các ngành”.


Giáo sư Viện Nghiên cứu phát triển và dân số Đại học Nam Khai, Nguyên Tân dự báo, nếu chính sách những cặp vợ chồng có một người là con một có thể sinh hai con kéo dài 20 - 30 năm thì dân số Trung Quốc có thể tăng khoảng 50 triệu người, áp lực đối với tài nguyên sẽ tăng, phân phối mang tính cạnh tranh thành quả phát triển xã hội cũng gia tăng nhưng về tổng thể áp lực này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.


Các chuyên gia cho rằng phải tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc từ mức 1,5 hiện nay lên mức tương đối hợp lý là 1,8 - 1,9, việc nới lỏng chính sách sinh đẻ chỉ là bước đi đầu tiên. Theo giáo sư Lý Kiện Dân của Viện Nghiên cứu phát triển và dân số Đại học Nam Khai, từ kinh nghiệm của các nước phát triển có thể thấy bước thứ hai là xóa bỏ hoàn toàn chính sách sinh một con, bước thứ ba là khuyến khích sinh con và thông qua việc xã hội chia sẻ gánh nặng về chi phí sinh đẻ với gia đình để nâng cao tỷ lệ sinh..., nhưng sự điều chỉnh những chính sách này và thực tế vẫn cần từng bước nghiên cứu, trong thời gian ngắn khó có thể thực hiện.


Hải Yến (Pv TTXVN tại Bắc Kinh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN