Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc đã có cuộc phỏng vấn giáo sư, tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui (Hàn Quốc). Giáo sư Kim Tae-wan cho rằng Trung Quốc “mất nhiều hơn được” trong vụ việc này.
Mục đích của giàn khoan Hải Dương-981
Theo giáo sư Kim Tae-wan, thông qua hành động hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc có thể ở mức độ nào đó, cho cộng đồng quốc tế thấy nước này không có ý định từ bỏ “quyền lợi” ở Biển Đông. Tuy nhiên, cho dù có lắp đặt thành công giàn khoan thì Trung Quốc cũng không thể được công nhận bởi cộng đồng quốc tế rằng khu vực đó thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc khó có thể tiến hành khai thác dầu trên thực tế tại khu vực này.
Giáo sư Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc. |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Trung Quốc đang mâu thuẫn, tranh chấp sâu sắc với Nhật Bản và Philippines xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ, hành vi đơn phương của Trung Quốc không chỉ khiến Việt Nam mà còn khiến các quốc gia trong khu vực Đông Á, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á, hoài nghi hơn về mục đích của việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng. Do vậy, dù Trung Quốc có tuyên truyền về sự “trỗi dậy hòa bình” như thế nào đi chăng nữa thì khi nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp với đại bộ phận các quốc gia láng giềng như hiện nay, các quốc gia này sẽ đoàn kết lại và tiến hành các hoạt động nhằm kiềm chế việc cường quốc hóa của Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn tới kết quả là giúp cho Mỹ thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á. Các quốc gia châu Á đang có mâu thuẫn với Trung Quốc sẽ mượn sức mạnh của Mỹ để đối kháng với Trung Quốc.
Về lý do thực tế của việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trên Biển Đông, trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng ngoài mục đích thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc còn có động cơ chính trị, giáo sư Kim Tae-wan nhận định:
Trước hết, có thể thấy mục đích của Trung Quốc đương nhiên là thăm dò tiềm năng dầu khí ở dưới đáy biển để có thể tiến hành khai thác trên thực tế. Tuy nhiên, do khu vực quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc nên khó có thể cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc chỉ là để thăm dò dầu khí.
Mục đích quan trọng hơn đó là Trung Quốc muốn thể hiện cho bên ngoài thấy sức mạnh quân sự của nước này nhằm thị uy với Mỹ và các quốc gia trong khu vực.
Thứ ba, thông qua chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ gần đây, Mỹ đã thể hiện rõ ý chí coi trọng châu Á, không chấp nhận những hành động đơn phương nhằm thay đổi trật tự cơ bản trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang coi hành động của Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Thực tế có nhiều ý kiến nhận định với sự phát triển nhanh về sức mạnh kinh tế và quốc phòng, Bắc Kinh cho rằng có thể tạo ra sự thay đổi về trật tự tại khu vực châu Á trong khi Mỹ lại không chấp sự thay đổi không mong muốn này nên Washington tìm cách ngăn cản sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Như vậy, ngoài mục đích thứ nhất ra, cùng với việc thể hiện quan điểm sẽ không từ bỏ chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đang tuyên bố với gần toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh muốn Mỹ và các quốc gia liên quan thấy rõ ý chí kiềm chế chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ.
Lợi ích chung của cả khu vực
Về phương hướng giải quyết căng thẳng hiện nay tại Biển Đông, Giáo sư Kim Tae-wan nêu rõ: Vấn đề phát sinh ở Biển Đông của Việt Nam cũng là vấn đề chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Nói rộng ra, Biển Đông cũng là vùng biển mà Hàn Quốc và Nhật Bản có lợi ích quan trọng vì phần lớn giao lưu thương mại và nguồn cung cấp dầu đều thông qua vùng biển này. Theo đó, cần đặt mục tiêu xây dựng cơ chế liên kết vấn đề trên biển của khu vực Đông Á (Đông Nam Á và Đông Bắc Á) trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế.
Theo Giáo sư Kim Tae-wan, các vùng biển ở khu vực Đông Á, bao gồm cả Biển Đông, cơ bản đều có nhiều vùng chồng lấn ở khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển. Do vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho các quốc gia ven biển nên việc xác lập đường ranh giới trên biển ở khu vực này là rất khó. Ở Biển Đông, cùng với vấn đề chủ quyền, ở khu vực chồng lấn còn có lợi ích tài nguyên to lớn nên vấn đề này càng khó hơn. Về lâu dài, trên cơ sở nền tảng lòng tin lẫn nhau được xây dựng thông qua hoạt động tập thể của các chuyên gia và học giả, có thể bắt đầu tính tới việc hợp tác giữa chính phủ các nước liên quan đến vấn đề này.
Dự báo về căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, giáo sư Kim Tae-wan cho rằng tình hình sẽ không tiếp tục kéo dài lâu vì càng để lâu càng gây bất lợi cho Trung Quốc. Các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc không chỉ liên kết lại với nhau mà còn tìm cách liên kết với Mỹ để cụ thể hóa các hoạt động đối kháng với Trung Quốc và đây là điều Bắc Kinh không mong muốn.
Hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông có thể phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ - Trung. Các quốc gia châu Á có “va chạm” với Trung Quốc có thể sẽ đề nghị Mỹ kiềm chế Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh còn gây ra căng thẳng với những nước láng giềng. Trong tình hình này, Trung Quốc không mong muốn làm bùng phát mâu thuẫn, va chạm với các quốc gia láng giềng lên mức trầm trọng hơn.
Theo giáo sư Kim Tae-wan, chính phủ Việt Nam cần xử lý một cách bình tĩnh dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế để Trung Quốc thấy rõ việc kéo dài căng thẳng như hiện nay tuyệt đối không có lợi cho Trung Quốc vì các lý do đã nêu trên; đồng thời Việt Nam có thể thông qua các kênh chính thức và không chính thức để trao đổi với giới chức Trung Quốc về vấn đề này.
Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan nhận học vị Tiến sỹ tại Đại học Colorado, Mỹ; từng là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Đại học American, Mỹ và học giả nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Ông là chuyên gia về quan hệ quốc tế, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, quan hệ Mỹ - Trung và từng có công trình nghiên cứu về “Tác động của Luật Biển quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) tại khu vực Đông Bắc Á”. |
Phạm Duy - Việt Cường