Trường lớp khang trang đón năm học mới

Bước vào năm học mới 2014 - 2015, các tỉnh vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động hoàn thiện cơ sở vật chất và bảo đảm sỹ số học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ hè.


Bảo đảm cơ sở vật chất


Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, huyện Mường Nhé đã thanh toán hết các phòng học tranh tre lứa lá, xây dựng thêm hàng chục lớp học để tránh tình trạng học 3 ca, lớp học ghép ở các điểm trường cách xã trung tâm trên tinh thần làm lớp học “3 cứng”: Nền cứng, cột cứng và mái cứng. Nhờ đó, đã bảo đảm được số phòng học cho học sinh tăng hàng năm của huyện không phải học nhờ, học phòng tạm...

 

Trường Tiểu học Chung Trải, huyện Mường Nhé khai giảng năm học mới. Ảnh: Văn Khiêm


Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mương Tè, tỉnh Lai Châu, Trần Đức Hiển cũng cho biết, năm học năm 2013 - 2014 cả huyện có trên 400 phòng học tạm, nhưng năm nay đã đầu tư và làm mới nên chỉ còn hơn 200 phòng học tạm.


Còn ở tỉnh Nghệ An, ngay trước ngày khai giảng năm học mới, Nghệ An đã đưa vào sử dụng 614 phòng học mới. Trong năm học 2014 - 2015, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thanh toán 208 phòng học tạm ở các trường mầm non để thực hiện đúng lộ trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi theo kế hoạch. Tỉnh cũng đầu tư xây mới để thay thế phòng học cấp 4 ở các bậc học đã xuống cấp hư hỏng. Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phát triển giáo dục ở 3 huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; triển khai các dự án hỗ trợ giáo dục tại huyện Quỳ Châu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Ở tỉnh Kon Tum, để chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh này cũng đã xây và thành lập mới 8 trường học, chủ yếu các trường tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng tổng số trường học trên địa bàn tỉnh là 404 trường.


Bảo đảm sỹ số học sinh


Theo ông Hiển, đến ngày khai giảng năm học 2014 - 2015, huyện Mường Tè có 55 trường học ở các bậc học với trên 13.000 học sinh; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp đạt 96%.

 

Trường mầm non ở Điện Biên được trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng học tập đầy đủ. Ảnh: Văn Khiêm

Còn ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ngay trong ngày thực học đầu tiên (18/8) của năm học 2014 - 2015, tỷ lệ học sinh ra lớp đã đạt trên 90%, thậm chí có trường mầm non số trẻ ra lớp còn vượt cả chỉ tiêu tuyển sinh.


Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, Trần Ngọc Kiên cho biết, tính đến ngày khai giảng 5/9, học sinh toàn huyện ra lớp ở các cấp đạt 98%. Đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ trong việc vận động, giáo dục học sinh đến lớp giữa giáo viên các nhà trường của huyện với đảng, lãnh đạo, đoàn thể và phụ huynh.


Khẳng định việc học sinh ra lớp đông đủ, đạt 97% ở trường tiểu học Chung Trải, huyện Mường Nhé, Hiệu trưởng trường Phạm Văn Khiêm cho biết, việc học sinh ra lớp đạt kết quả như vậy một phần là nhờ giáo viên của trường tận dụng những tiết trống tham gia nấu ăn cùng học sinh bán trú khi chưa có cấp dưỡng. Nhờ đó, phụ huynh học sinh yên tâm hơn khi cho con em đến trường.

 

Minh Phúc

Đổi thay trên mảnh đất Hà Hiệu
Đổi thay trên mảnh đất Hà Hiệu

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) đã vinh dự hai lần được đón Bác về thăm. Phát huy tinh thần quê hương cách mạng, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hà Hiệu đã ra sức thi đua lao động, sản xuất...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN