Tộc người La Hủ chỉ cư trú tại huyện Mường Tè (Lai Châu) với hơn 5.300 người. Họ quen với truyền thống du canh, du cư trên núi cao, phụ thuộc vào tự nhiên, vì vậy việc săn bắn là không thể thiếu được trong đời sống. Săn bắn và phân chia chiến lợi phẩm đã thể hiện tình đoàn kết cộng đồng và sự tôn trọng của mỗi thành viên trong làng bản. Sự cấu kết ấy là bền vững, giúp tộc người La Hủ thích nghi với thiên nhiên. Hình thức săn bắn chủ yếu là đi săn tập thể và săn bắn cá nhân.
Bẫy lao là loại bẫy nguy hiểm để dùng săn các con thú to. |
Săn bắn tập thể thường là săn bắn những con thú lớn như: Lợn rừng, gấu, hổ,… nhờ vào sức mạnh của tập thể mới giết được những con thú lớn như vậy. Hình thức săn bắn tập thể cũng có hai cách: Một là đặt bẫy đâm theo đường đi của con thú, khi người đặt bẫy phát hiện con thú mắc bẫy nhưng vẫn chưa chết, nó đang chạy được thì người đó về bản báo với mọi người cùng đi săn con thú ấy. Đoàn người đi săn cử ra một người khỏe mạnh, tháo vát và nhanh nhẹn đi đầu để đối chọi với con thú. Những người còn lại im lặng theo sau sẵn sàng giúp người đi đầu đối phó với con thú dữ. Khi thấy con thú, thì người đi đầu báo hiệu cho nhóm người đi sau biết để tìm cách bắn chết con thú. Con thú bị hạ gục thì người đặt bẫy được quyền đến sờ con thú ấy trước. Người La Hủ kiêng đưa cả con vật về bản, vì vậy mà mổ thịt ngay tại chỗ, rồi mang thịt về bản chia phần. Một nửa con thú thì chia cho người đặt bẫy làm con thú bị thương. Nửa còn lại thì chia cho những người đi săn cùng người đặt bẫy và chia cho các hộ gia đình trong bản; Hai là khi một người đi rừng phát hiện có con thú lớn, thì chạy về báo cho mọi người trong bản cùng đi săn. Trước khi đi săn con thú thì nhóm người này hội ý để chuẩn bị kỹ về súng, dao và cử ra người đi theo vết chân con thú để xua đuổi nó đến đầu kia có người rình sẵn để bắn. Số người còn lại thì đón đầu, rình trên cây và sẵn sàng khi thấy con thú là bắn ngay. Người bắn trước trúng con thú thì người đó là chủ của con thú, và người đó có quyền sờ vào con thú trước, mới đến lượt người khác đến động vào con thú ấy. Cả nhóm người cùng mổ con thú và đưa thịt về bản để chia phần. Cách chia cũng giống như cách 1.
Các thợ săn đang trình diễn lại cách làm bẫy sập để săn thú. |
Săn cá nhân thường là săn những con thú nhỏ như: chim, khỉ, hoẵng, sơn dương… Khi mang về thì không được mang con thú chết vào nhà, mà phải để làm thịt ở bên ngoài nhà. Vì người La Hủ cho rằng con thú là một cơ thể giống con người, nếu nó chết mà mang vào nhà thì mình đang mang một xác chết vào nhà mình, đó là việc tối kị không được làm, nếu không gia đình sẽ xảy ra nhiều chuyện không may mắn.
Nỏ là dụng cụ săn bắn hữu hiệu khi săn bắn thú trên cao. |
Để đi săn được nhiều thú, người La Hủ cũng có những quy định đối với người thợ săn. Nếu người đàn ông nào mà vợ đang có bầu thì tuyệt đối không cho đi săn cùng nhóm, và người đó cũng không bao giờ đi săn một mình. Vì người La Hủ cho rằng những người đàn ông như vậy thì dù có bắn hàng trăm phát đạn, hàng trăm mũi tên cũng không trúng và tiêu diệt được con vật. Đi săn tập thể, khi bắt được con thú thì người chủ của con thú phải cắt một miếng thịt nhỏ nướng ăn trước mọi người trong đoàn đi săn. Vì cho người khác ăn trước thì lần sau người ấy sẽ không may mắn săn được thú nữa.
Bẫy kẹp dùng để săn các con thú nhỏ. |
Khi săn được con thú thì dù to hay nhỏ, săn cá nhân hay săn tập thể thì ngoài phần chia cho người đi săn, chia cho các hộ thì phải cắt phần chia cho Tạo bản và người thợ rèn. Ngày xưa đất PaỦ chỉ có một Tạo bản nên dù xa cũng phải để phần mang đến, đó là tỏ lòng tôn trọng, đồng thời họ cũng cho rằng, nhờ có người thợ rèn mà họ mới có dụng cụ để sản xuất và săn bắt thú, nên săn được con thú thì mang biếu người thợ rèn để tỏ lòng tôn trọng.
Ngày xưa ở một bản chỉ có 2 đến 3 nóc nhà nên việc chia phần thịt con thú săn được cho mọi người là đủ. Nhưng hiện nay do yếu tố kinh tế, và trong bản rất đông hộ nên việc chia phần là không thể. Dù săn tập thể, hay cá nhân thì họ chia phần cho người đi săn rồi, số còn lại thì bán lấy tiền. Ngày nay, do diện tích rừng bị thu hẹp, muông thú cũng trở nên hiếm dần, vai trò hoạt động săn bắn ngày càng hạn chế, vì vậy người La Hủ cũng ý thức để dần ổn định đời sống, khai hoang ruộng để trồng lúa nước và các cây lương thực đảm bảo đời sống…
Đồng thời chính quyền địa phương cần đi sâu tuyên truyền cho người dân không săn bắn thú rừng, bảo vệ động vật quý hiếm để không vi phạm pháp luật. Từ bỏ tục săn bắn, chuyển sang canh tác lương thực hoa màu là làm thay đổi những tập tục cũ kỹ, xây dựng cuộc sống với cung cách làm ăn mới cơ bản, vững bền, đòi hỏi một quá trình với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Bài và ảnh: Việt Hoàng