Tưng bừng lễ khai giảng tại các vùng dân tộc thiểu số

Hòa chung với không khí phấn khởi của học sinh các cấp học trong cả nước bước vào năm học mới, sáng 5/9 gần 200.000 học sinh các dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang từ các thôn bản vùng sâu, xa đến Cao nguyên đá Đồng Văn đã hân hoan đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.


Các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam đến với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang trong năm học mới. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN


Trên khắp các nẻo đường từ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (huyện Đồng Văn) đến trung tâm của tỉnh là thành phố Hà Giang, hay ở các huyện vùng sâu, vùng xa nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh như các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần… đâu đâu cũng tràn ngập cờ hoa, sắc màu với những nụ cười tươi tắn của các em học sinh tưng bừng đón ngày hội khai trường.

Đúng 7 giờ, tiếng trống khai trường đã điểm khắp trên 640 trường từ bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, bán trú dân nuôi, trung học phổ thông và các trường phổ thông Dân tộc Nội trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lễ khai giảng năm học mới này, 100% các trường ở Hà Giang đều diễn ra ngắn gọn, đơn giản hơn so với những năm trước song vẫn giữ được không khí trang trọng, tất cả các trường đều nêu cao quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới.

Nét mặt xinh tươi và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi, em Giàng Thị Máy, ở tận thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Đồng Văn đến trường dự lễ khai giảng năm học mới trong bộ quần áo của dân tộc Mông rất đẹp. Để đến trường dự lễ khai giảng đúng giờ, hai mẹ con em đã dậy thật sớm, đi bộ vượt qua núi đá tai mèo gần 15 km. Mẹ của em Giàng Thị Máy là chị Sùng Thị Hờ cho biết: Gia đình chị là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo của thôn Há Chế, xã Sủng Là, để cho con được đến trường học tập như các bạn trong bản, gia đình chị phải chịu khó chăn nuôi bò, tăng gia sản xuất để lấy tiền mua sách vở, bút và cặp cho con. Trước đây do trình độ nhận thức còn hạn chế, vợ chồng chị và anh trai của Máy đều không được đi học, nên giờ anh chị thấy phải có cái chữ mới có hiểu biết, làm những công việc có ích. Chị Hờ mong muốn Máy học tốt để sau này trở thành cô giáo về dạy chữ cho dân bản.

Bước vào năm học mới 2015-2016, các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm học mới này huyện Đồng Văn có trên 21.000 học sinh đến trường từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông. Để đảm bảo các điều kiện cho năm học mới, trong dịp nghỉ hè vừa qua, Phòng Giáo dục huyện Đồng Văn đã tham mưu cho UBND huyện lồng ghép các nguồn vốn và các xã đã trích ngân sách sửa chữa, nâng cấp hàng chục công trình nhà lớp học. Tuy nhiên, nhiều điểm trường trong huyện vẫn còn tình trạng tạm bợ, các lớp học chưa kiên cố.

Bà Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị trường học, huyện đã hợp đồng thêm nhiều giáo viên, bổ sung cho các trường còn thiếu. Huyện tuyên tryền, vận động gia đình phụ huynh học sinh ở các xã, thị trấn ủng hộ sách giáo khoa của con em mình đã qua sử dụng cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Huyện cũng vận động các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh, các cơ quan trên địa bàn huyện và các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm ủng hộ sách giáo khoa, vở viết, bút cho học sinh. Chính vì vậy, năm học mới 2015-2016 này, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song UBND huyện Đồng Văn phấn đấu không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập. Bằng các giải pháp hữu hiệu, linh hoạt trong các phương pháp triển khai, nên tất cả học sinh trên địa bàn huyện đều phấn khởi, tự tin bước vào năm học mới.

Chỉ cách khai giảng hơn một tuần, những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã làm sạt lở hàng nghìn m3 đất, đá, cô lập các xã biên giới, trong đó có Sơn Vĩ – một xã nằm cách trung tâm huyện gần 60 km. Nhiều trường, lớp học, nhà của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã bị sạt lở. Để giúp học sinh được khai giảng đúng ngày theo quy định, các Đồn Biên phòng Săm Pun, Lũng Làn đã huy động cán bộ, chiến sỹ cùng các thầy cô giáo và học sinh chỉnh trang, tu sửa phòng học, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, huy động 100% học sinh trong độ tuổi đến trường trong ngày khai giảng năm học mới.

Theo ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản công tác giáo dục đào tạo, năm học mới 2015-2016, ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Giang phấn đấu nâng cao chất lượng dạy, học ở địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Trong năm học mới này, Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện tiến hành chuyển một phần học sinh ở các điểm trường về học tại các trường chính nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh công tác kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên.

* Đồng chí Tòng thị Phóng dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Yên Thủy, Hòa Bình


Sáng 5/9, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự lễ khai giảng năm học mới và đón bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Tại lễ khai giảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương những thành tích học tập, sự đổi mới của ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình nói chung, nỗ lực cố gắng của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Yên Thủy nói riêng và chúc nhà trường dạy tốt, học tốt theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trao 20 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng vươn lên trong học tập.

Trải qua sáu năm kể từ khi thành lập, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Yên Thủy không ngừng phấn đấu, liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến, xuất sắc. Hiện, trường có tổng số học sinh 220 em; trong đó có 137 em hạnh kiểm tốt; 72 em khá, 13 em học sinh giỏi, 139 học sinh khá. Trường có 3 thầy, cô đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 14 thầy, cô đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở. Nhà trường duy trì tốt điều kiện sinh hoạt ăn nghỉ nội trú đảm bảo đầy đủ chế độ theo quy định của nhà nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao luôn được quan tâm duy trì đều đặn, tạo không khí vui tươi, giúp các em yêu mến gắn bó với trường, lớp, yên tâm học tập phấn đấu.

Phát huy thành tích đã đạt được, năm học mới 2015- 2016, toàn thể giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục giảng dạy và học tập nghiêm túc, sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động các phong trào thi đua, vinh dự được đón bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia, xứng đáng với niềm tin tưởng của nhân dân các dân tộc trong huyện.

* Ngày học đầu tiên ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa


Ngày đầu tiên đi học của thầy trò trường Phổ thông Cao Sơn. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN.


Sáng 5/9, hòa chung không khí phấn khởi cùng với học sinh cả nước, thầy trò Trường phổ thông Cao Sơn (trường Tiểu học - THCS Cao Sơn), xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hoá, nơi “thâm sơn, cùng cốc" thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hoá đã từng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015-2016. Trên khuôn mặt các thầy giáo và các em học sinh đều rạng rỡ niềm vui, hy vọng một năm học mới gặt hái được nhiều thành công.


Một điều đặc biệt vui mừng là từ năm học 2015-2016, thầy trò của trường phổ thông Cao Sơn không còn phải đi bộ hơn 10 km đường rừng để đến trường bởi đã có con đường nối từ trung tâm xã Lũng Cao lên đến 3 bản Son, Bá, Mười, nơi có trường phổ thông Cao Sơn. Con đường mới này cũng giúp thầy trò nơi đây gần gũi hơn, yên tâm gắn bó hơn với ngôi trường nơi vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất tỉnh Thanh Hoá.

Thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng trung học Cao Sơn phấn khởi cho biết: năm học 2015-2016 này 100% học sinh đến tuổi đến trường đều được đi học, trong đó có 16 em học sinh bước vào lớp 1, 12 em học sinh lớp 5 lên lớp 6 của 3 bản Son, Bá, Mười. Toàn trường Trung học Cao Sơn có 95 học sinh với 9 lớp, trong đó lớp nhiều nhất có 16 em, lớp ít nhất có 6 em học sinh.

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, với 70% hộ nghèo, nhưng các gia đình dân tộc Thái ở đây đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em mình được đến trường tìm con chữ. Bản thân các em học sinh cũng rất hiếu học. Khó khăn là vậy, nhưng nhà trường luôn có học sinh đạt giải cấp huyện.

Thầy Định chia sẻ, vào những năm 2007 trở về trước, Cao Sơn chưa có trường học như hôm nay. Trẻ em khi đó phải vượt hàng chục km đường rừng để đến các trường học ở tỉnh Hòa Bình. Nhiều gia đình dù không đủ ăn, mặc nhưng vẫn gắng cho con đến lớp. Cũng chỉ mới đây thôi, vào ngày đầu của năm học 2014-2015, các thầy giáo nhà trường còn phải đi bộ gần 5 giờ để vượt qua quãng đường 10 km, trong đó có 3 km phải trèo trên các vách đá dựng đứng và ngay phía sau lưng là vực sâu hun hút để đưa con chữ đến với các em học sinh ở 3 bản Son, Bá, Mười trên tận đỉnh Pha Hé cao 1.500 m so với mực nước biển...

Thầy Vi Văn Hoan, người gắn bó với nhà trường từ khi thành lập đến nay cho biết: việc dạy và học nơi đây có những nét rất riêng biệt. Do thời tiết khắc nghiệt, nhà trường phải tổ chức cho các em vào học từ 8 giờ sáng, sau đó các thầy chỉ có đủ thời gian ăn trưa rồi lại phải lên lớp ngay cho kịp giờ tan học vào khoảng 4 giờ chiều, bởi muộn hơn trời sẽ tắt nắng, lớp học cũng không đủ ánh sáng vì 3 bản Son, Bá, Mười chưa có điện lưới quốc gia.

Thầy Hoan cũng cho biết thêm: Nếu các trường học ở vùng khác, khi thời tiết rét xuống dưới 10 độ C là học sinh được nghỉ học tránh rét nhưng ở đây lại khác. Nhiều mùa đông, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, cây cỏ đóng băng trong sương giá các em vẫn đến trường. Bởi lẽ, nơi đây mùa đông quanh năm, nếu cho các em nghỉ đúng như quy định thì học sinh phải nghỉ gần hết cả năm học. Khó khăn là vậy nhưng trong vòng 5 năm qua, chưa có trường hợp học sinh bỏ lớp, tỉ lệ phổ cập luôn đạt trên 80%.

Đến nay Trường phổ thông Cao Sơn đã bớt khó khăn hơn so với trước, đặc biệt đã có con đường nối từ trung tâm xã lên đến tận trường phổ thông Cao Sơn, nhưng thầy trò nơi đây vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Không có điện, các bài giảng theo giáo án điện tử không thể áp dụng được, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu và đã xuống cấp. Song thầy trò nhà trường vẫn tin rằng chỉ nay mai thôi những khó khăn, thiếu thốn đó sẽ được khắc phục, để những con chữ được gieo trồng nơi đây sẽ đến ngày được gặt hái, có được những thành quả, có được những vụ mùa bội thu.


P/v TTXVN tại các địa phương
Những "thiên thần" trong lễ khai giảng
Những "thiên thần" trong lễ khai giảng

Ngắm những gương mặt thiên thần trong lễ khai giảng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN