Sau khi một tay súng sát hại 37 người tại khách sạn 5 sao "Imperial Marhaba" ở khu nghỉ dưỡng Sousse, miền Đông Tunisia, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi ngày 26/6 khẳng định nước này không thể đơn độc đối phó với mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến, đồng thời kêu gọi cần có một chiến lược toàn cầu thống nhất.Lực lượng cứu hộ Tunisia chuyển thi thể một nạn nhân sau vụ xả súng ở Sousse. Ảnh: THX/TTXVN
|
Ông Essebsi nêu rõ: “Chúng tôi lưu ý rằng Tunisia đang phải đối mặt với một phong trào quốc tế và không thể đơn độc đối phó với mối đe dọa này. Cùng ngày vào cùng thời điểm, Pháp đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch như vậy và Kuwait cũng tương tự. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một chiến dịch toàn cầu và tất cả các quốc gia dân chủ bây giờ phải cần hợp lực ngay”.
Trong khi đó, các quản lý khách sạn cho biết phần lớn trong số 565 khách ở trong khách sạn 5 sao "Imperial Marhaba" là đến từ Anh và “các nước Trung Âu”.
* Phản ứng của quốc tế về các vụ tấn công đẫm máu ở Pháp, Tunisia, Kuwait
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra tại Tunisia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kịch liệt lên án các vụ tấn công “kinh hoàng” diễn ra trước đó cùng ngày ở Pháp, Kuwait và Tunisia, đồng thời cho rằng những kẻ chịu trách nhiệm gây ra các vụ tấn công này sẽ phải đối mặt với công lý.
Cảnh sát Pháp phong tỏa lối vào Công ty thiết bị hàng không ở Saint-Quentin-Fallavier, gần Lyon, miền đông Pháp ngày 26/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cùng ngày, Nhà Trắng cũng lên án “những vụ tấn công tàn bạo” trong ngày 26/6 tại 3 quốc gia trên, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với những nước này và những nỗ lực để “đấu tranh chống hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz cho biết nước này đã nâng mức cảnh báo khủng bố từ trung bình lên mức cao sau các vụ tấn công đẫm máu ở Pháp, Kuwait và Tunisia xảy ra trước đó cùng ngày.
Còn tại Tunisia, Đại sứ quán Pháp tại Tunis đã hối thúc các công dân nước này cần thận trọng và “hạn chế đi lại và tranh các cuộc tụ tập”.
Trong một tuyên bố từ Paris nêu rõ Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Tunisia Beji Caid Essebsi cùng bày tỏ “sự đoàn kết trong việc đối mặt với chủ nghĩa khủng bố” trước các vụ tấn công xảy ra cùng ngày ở cả hai nước.
* Italy nâng mức báo động chống khủng bố lên mức cao nhấtTrong khi đó, Italy đã nâng mức báo động chống khủng bố lên mức cao nhất.
An ninh đã được thắt chặt ở thủ đô Rome khi các lực lượng quân đội và cảnh sát Italy tăng cường bảo vệ sứ quán các nước đồng minh và Tòa thánh Vatican, cũng như các thành phố lớn khác của Italy, như Milan hay Turin. Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano khẳng định rằng các lực lượng chống khủng bố Italy đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Mặc dù vậy, ông Alfano cũng nói rằng, "không một quốc gia nào là không đứng trước nguy cơ khủng bố" và Italy cũng không nằm ngoài những nguy cơ này.
Hãng tin độc lập AGI trích một nguồn tin từ mật vụ Italy cho rằng hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào đặc biệt cho thấy sắp có tấn công khủng bố ở Italy cũng như các âm mưu nhắm vào Tòa thánh Vatican. Mặc dù vậy, các đảng phái đối lập ở Italy đang tiếp tục gây sức ép lên chính phủ nhằm kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư bằng đường biển Địa Trung Hải vào Italy. Các đảng Phong trào 5 Sao và Liên đoàn phương Bắc, đảng có xu hướng chống người nhập cư và bài ngoại, đã yêu cầu phải thắt chặt các đường biên giới và ngăn chặn dòng người Bắc Phi xuất phát từ các cảng ở Lybia, với nỗi lo ngại IS sẽ trà trộn vào những người này sang tấn công Italy.
Cho tới nay, Italy chưa phát hiện một trường hợp nào như vậy. Tuy nhiên, kể từ đầu năm, Italy đã trục xuất hơn 30 người được cho là có "cảm tình" với các phong trào Hồi giáo thánh chiến.