Ông Nông Văn Mậu, dân tộc Giáy, 77 tuổi, là tấm gương sáng cho đồng bào thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) trong việc phát triển kinh tế, khai phá ruộng bậc thang, chăn nuôi đại gia súc, vươn lên làm giàu.
Từ khi huyện Sa Pa khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, trong khi bà con còn đắn đo, ông Mậu đã mạnh dạn bán trâu, vay thêm tiền ngân hàng để sửa chữa nhà, đón khách đi tour du lịch. Ông Mậu cho biết, làm du lịch tại nhà không vất vả như làm ruộng nương, mà thu nhập lại cao hơn. Năm 2011, gia đình ông đã có nguồn thu 50 triệu đồng từ du lịch. Cộng với nguồn thu từ sản xuất, gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Mậu, muốn giữ chân du khách ở lại bản làng, cần có những sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. Bà con cần giữ cho đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp và đảm bảo vệ sinh. Để thuyết phục bà con, ông vận động chính các con làm trước. Ông Mậu có 6 người con (4 nam, 2 nữ) đều đã trưởng thành, lập gia đình và cùng sinh sống trong thôn. Được bố động viên hướng dẫn, 3 người con trai đã học theo bố mẹ, phát triển du lịch cộng đồng. Chỉ sau một năm, cả 3 gia đình đều đã có thể hoàn trả vốn vay, đồng thời giúp 3 người em còn lại nâng cấp nhà cửa, phát triển dịch vụ đón khách.
Không chỉ giúp các con phát triển kinh tế, ông Mậu còn giáo dục các con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, dạy dỗ các cháu ngoan, lễ phép với khách. Những lúc rỗi rãi, ông hay kể cho các cháu nghe chuyện cổ tích về dân tộc, bản làng mình, để có thể giới thiệu với du khách khi có dịp. Noi gương mẫu mực của người cha, 6 con ông đều thoát nghèo từ sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch, 12 người cháu của ông đều ngoan, học hành chăm chỉ và đặc biệt đều ý thức được việc giữ gìn bản sắc truyền thống của gia đình, dân tộc mình.
Huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn |
Năm 2009, ông Mậu là người Giáy đầu tiên của Lào Cai tham dự Ngày hội gia đình Việt Nam 2009. Gương sáng làm du lịch cộng đồng của ông Mậu được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai lấy làm mô hình điểm xây dựng, nhân rộng thành chương trình phát triển "du lịch cộng đồng bền vững" tại các huyện có tiềm năng phát triển du lịch. Ở xã Tả Van, nơi ông Mậu sinh sống, đến nay cũng đã có trên 20 hộ, bằng 30% số hộ làm du lịch bằng hình thức lưu trú qua đêm cho khách. Nhờ có phong trào làm du lịch cộng đồng do ông Mậu khởi xướng, nếp sinh hoạt ở làng bản đã đổi mới rất nhiều, không còn hiện tượng thả rông gia súc làm mất vệ sinh, đường làng ngõ xóm bê tông hóa, nước sinh hoạt hợp vệ sinh được dẫn đến từng nhà.
Tiếng lành đồn xa, khách đến Tả Van vì thế ngày càng đông và lưu lại cũng lâu hơn. Ông Mậu cho biết, để cho du lịch ngày càng hấp dẫn, người làm du lịch cộng đồng cần tìm hiểu các sở thích của du khách để phát triển văn hóa, văn nghệ của thôn mình. Vì vậy, những năm qua, ông đã dày công sưu tầm văn hóa, tập tục của quê mình, chắt lọc những tinh hoa để phát huy, nhằm thu hút được nhiều khách du lịch hơn. Những lúc rỗi rãi, ông thường chẻ nan đan sọt và những vật dụng trong gia đình như cái nong phơi thóc, cái bung gánh lúa. Đây cũng là những nghề thủ công đã phần nào bị thế hệ trẻ lãng quên, nay được duy trì và khôi phục lại vừa hấp dẫn du khách, vừa mang tính giáo dục con cháu nhớ về nguồn cội.
Ông Nông Văn Mậu không chỉ là người cha, người ông mẫu mực, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu mà còn là người dẫn đường chỉ dạy cách làm ăn cho cả thôn bản thoát nghèo.
Lục Văn Toán