Hầu hết các trạm y tế của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đang xuống cấp nghiêm trọng, thiếu trang thiết bị y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ còn thiếu những người có trình độ chuyên môn vững, nhiều xã chưa có bác sỹ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mạng lưới y tế cơ sở, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư hơn 565 tỷ đồng, trong đó có 545 tỷ đồng xây dựng các trạm y tế cơ sở, 20 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong các chuyên ngành như chẩn đoán điều trị bệnh, xử lý hồi sức cấp cứu, dược lâm sàng, quản lý dược, quản lý thông tin về thuốc đào tạo đội ngũ y, bác sỹ, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, tất cả các trạm y tế đều được xây dựng theo mô hình chuẩn quốc gia.
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 141 trạm y tế cơ sở trong đó, 75% y tế đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí cũ). Đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và tay nghề cao không nhiều. Đáng chú ý, đến nay mới chỉ có 85/141 trạm y tế có bác sỹ. Do vậy, người dân thường có tâm lý không tin tưởng ở những trạm y tế khám, chữa bệnh mà không có bác sỹ, dẫn đến tình trạng có trường hợp chỉ mắc các bệnh thông thường vẫn xin thẳng lên bệnh viện tuyến trên. Hơn nữa, nhiều bác sỹ sau một thời gian làm việc ở các trạm y tế đã xin chuyển công tác, gây khó khăn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở.
Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên mở lớp đại học (hệ chuyên tu, tại chức) đào tạo gần 500 cử nhân điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và 24 bác sỹ cho trạm y tế xã; phấn đấu đến năm 2015, tất cả các trạm y tế xã có bác sỹ và đến năm 2020 có 124 trạm y tế được xây mới.
Nguyễn Thị Thu Hằng