Tuynidi lại rơi vào bất ổn

Các cuộc biểu tình bạo lực và bãi công trên phạm vi cả nước ngày 7/2 đang đẩy Tuynidi trở lại thời kỳ bất ổn. Thủ tướng nước này Hamadi Jebali đã kêu gọi thành lập “càng sớm càng tốt” một chính phủ kỹ trị không đảng phái thay cho chính phủ liên minh hiện nay - động thái được coi là sự nhượng bộ với phe đối lập và hạ nhiệt những cái đầu nóng giận của người biểu tình.

 

Giọt nước tràn ly


Ông Chokri Belaid, Thủ lĩnh đảng Những người yêu nước Dân chủ (DPP) đối lập, sáng 6/2 đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng và vụ ám sát manh động này như giọt nước tràn ly, thổi bùng làn sóng biểu tình tại nhiều thành phố của Tuynidi. Những cảnh bạo lực diễn ra đã gợi nhớ lại cuộc nổi loạn lật đổ chính quyền của ông Zine El Abidine Ben Ali cách đây 2 năm.


Một người biểu tình ở Tuynít nhảy tránh đạn hơi cay của cảnh sát ngày 6/2. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại thủ đô Tuynít, hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên, đã tụ tập biểu tình bày tỏ sự giận dữ trước cổng Bộ Nội vụ và đụng độ với lực lượng an ninh, khiến ít nhất 1 cảnh sát thiệt mạng. Người biểu tình giận dữ ném đá vào lực lượng an ninh, tấn công các cơ quan chính phủ và cướp phá cửa hiệu. Họ cho rằng vụ ám sát này đồng nghĩa với việc "giết chết nền dân chủ" non trẻ, vốn được hình thành chưa đầy 2 năm và châm ngòi cho cái gọi là "Mùa Xuân Arập" tại khu vực. Cảnh sát đáp lại bằng những viên đạn hơi cay.


Khi còn sống, ông Belaid thường xuyên chỉ trích chính phủ gay gắt. Ông cho rằng đảng Ennahda cố tình trì hoãn tiến trình thành lập chính phủ đa sắc tộc khi không chịu trao các vị trí trọng yếu trong nội các cho các nhân vật độc lập. Mâu thuẫn giữa đảng DPP của ông Belaid với liên minh cầm quyền đã đẩy quốc gia Bắc Phi này vào trình trạng bế tắc chính trị và xã hội nghiêm trọng trong suốt hai năm qua.


Những người biểu tình và cả gia đình ông Belaid cáo buộc đảng Hồi giáo Ennahda đứng đầu trong liên minh cầm quyền ở Tuynidi đứng sau vụ ám sát này. Ngày 7/2, bốn đảng đối lập gồm Mặt trận Bình Dân, Al Joumhoury, Al Massar và Nida Tounes đã tiến hành một cuộc tổng bãi công để phản đối vụ ám sát ông Belaid. Ngoài ra, các chính đảng này cũng kêu gọi đại diện của họ rút hỏi Hội đồng lập hiến chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp. Các luật sư, quan tòa và các giáo viên trên khắp cả nước đã tham gia cuộc bãi công kéo dài hai ngày này.

 

Chính phủ mới có lấy lại bình yên?


Sau cách mạng “mùa Xuân Arập”, Tuynidi bước vào thời kỳ chuyển tiếp hướng tới một nền dân chủ. Bầu cử quốc hội lập hiến đã được tổ chức tự do và công khai cuối năm 2011, mang lại một chính phủ liên minh dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Hamadi Jebali. Tuy nhiên, nền dân chủ đó vẫn không mang lại bình yên cho quốc gia nhỏ bé vỏn vẹn 10 triệu dân này.


Căng thẳng tôn giáo và biểu tình bạo lực thường xuyên diễn ra trong suốt năm 2012 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế Tuynidi chưa hồi phục. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị rút, ngành du lịch chủ đạo chưa hồi sức và thất nghiệp còn cao hơn cả trước khi xảy ra nổi loạn. Chính phủ non trẻ của Tuynidi đã phải kéo dài tình trạng khẩn cấp, được công bố ngày 14/1/2011, cho tới ngày 30/10/2012.


Quyết định thành lập chính phủ phi đảng phái của Thủ tướng Hamadi Jebali được cho là một sự nhượng bộ rõ ràng đối với phe đối lập. Lâu nay họ vẫn đòi cải tổ nội các chính phủ do phe Hồi giáo thống trị và các cuộc đàm phán giữa hai phe vẫn trong tình trạng đóng băng. Tuy nhiên, bản thân ông Jebali vẫn chưa xác nhận sẽ giải tán chính phủ hiện tại cũng như thời điểm cho một cuộc cải tổ chính phủ. Các nghị sỹ trong đảng Ennahda của ông nói rằng thủ tướng Jebali chưa tham vấn các thành viên về quyết định thành lập chính phủ mới. Ngày 7/2, phe đối lập vẫn kêu gọi tổ chức biểu tình lớn vào ngày 8/2. Và như vậy tương lai cho một Tuynidi ổn định vẫn chưa ai dám khẳng định.

 

Lê Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN