Theo số liệu mới công bố của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), đã có thêm 123.000 người rơi vào tình trạng thất nghiệp tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6, nâng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này lên con số kỷ lục 11,2%, mức cao nhất kể từ khi Eurozone được thành lập.
Xếp hàng chờ xin việc tại một văn phòng nhà nước ở Palma de Mallorca, Tây Ban Nha ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây đồng thời là một dấu hiệu nữa cho thấy tình cảnh kinh tế khó khăn của khu vực khi những hy vọng về khả năng ECB trong tuần này ra tay giải cứu Eurozone đang phai nhạt dần.
Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của mỗi thành viên Eurozone có sự khác biệt rất lớn, từ mức chỉ 4,5% tại Áo cho đến mức cao "ngất ngưởng" 24,8% tại Tây Ban Nha. Không chỉ đối mặt với vấn đề thất nghiệp cao, tình hình nợ công tại Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone, vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo các số liệu thống kê chính thức, trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư đã rút tổng cộng 163,19 tỷ euro, lượng vốn lớn nhất bị rút khỏi Tây Ban Nha kể từ năm 1990. Chỉ tính riêng tháng 5, số vốn "tìm nơi ẩn náu" ở nước ngoài đã lên tới 41,3 tỷ euro, so với con số ,3 tỷ euro của cả năm 2011.
Trong diễn biến liên quan, Pháp và Italia đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone. Trong cuộc gặp diễn ra tại Pari ngày 31/7, Thủ tướng Italia Mario Monti khẳng định ông đã trông thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm", đồng thời cam kết Italia và châu Âu sẽ bảo vệ đồng euro bằng mọi giá. Sau Pháp, Thủ tướng Italia sẽ tiếp tục tới Phần Lan và Tây Ban Nha nhằm tiếp tục trấn an các thị trường về tình hình tại Italia, bất chấp những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone này có thể rơi vào suy thoái.
Còn trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Monti nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái ủng hộ việc có "hành động kiên quyết" nhằm cứu đồng tiền chung châu Âu, đưa khu vực này thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang gây tác động mạnh tới kinh tế thế giới. Tuyên bố của Tổng thống Obama ủng hộ "hành động kiên quyết" để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ được đưa ra ngay sau cam kết của các quan chức châu Âu quyết tâm bảo vệ đồng euro, càng chứng tỏ quyết tâm của thế giới đưa "lục địa già" thoát khỏi giông tố.
Việt Khoa (Theo Reuters)