Bạo động tại Ukraine tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh, sau khi các thủ lĩnh phe đối lập đưa ra “tối hậu thư” buộc Tổng thống Viktor Yanukovych phải nhượng bộ.
Chính quyền không lùi bước
Ngày 23/1, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết một nhóm kẻ gây rối đã xông vào trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Kiev đập phá thiết bị, buộc cảnh sát phải bắt giữ 50 phần tử quá khích. Động thái này diễn ra ngay sau khi các thủ lĩnh đối lập đồng loạt lên tiếng đưa ra “tối hậu thư” buộc chính quyền nhượng bộ, sau vụ đụng độ lớn làm 4 người chết, hàng chục người bị thương, khi cảnh sát tiến vào giải tán 10 lều trại biểu tình ở gần Quảng trường Độc lập tối ngày 22/1. Thủ lĩnh Vitaly Klitschko đe dọa người biểu tình sẽ “tấn công”, gây “bạo loạn đường phố” nếu Tổng thống Viktor Yanukovych không giải tán chính phủ, tổ chức bầu cử sớm. Cùng lúc, thủ lĩnh Arseniy Yatsenyuk của đảng “Tổ quốc” đối lập cảnh báo, Tổng thống Yanukovych có 24 giờ để đưa ra một giải pháp hòa bình, nếu không người biểu tình sẽ quyết “đối đầu” với cảnh sát.
Cảnh sát chống bạo động triển khai tại thủ đô Kiev ngày 23/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những phát biểu mang tính kích động này được đưa ra sau khi cuộc gặp giữa ông Klitschko với Tổng thống Yanukovych thất bại, do các yêu sách của phe đối lập bị bác bỏ.
Trước các phát biểu, hành động “gây hấn” trên, Thủ tướng Mykola Azarov cho biết chính quyền sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng sẽ không chấp nhận các yêu sách kiểu “tối hậu thư”. Chính phủ nhìn nhận các thủ lĩnh đối lập và người biểu tình quá khích thực chất là “những kẻ khủng bố, những tên tội phạm” đang tìm cách chiếm giữ đường phố và gây bạo động. Ông Azarov nhấn mạnh yêu sách đòi Tổng thống đương nhiệm từ chức, tiến hành bầu cử trước thời hạn là không thể chấp nhận vì tổng thống đã được bầu ra một cách dân chủ.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso ngày 23/1 về tình hình xung đột, Tổng thống Yanukovich đã cam kết sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp và tiếp tục theo đuổi con đường đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phương Tây tìm cách can thiệp
Trong khi đó phương Tây tiếp tục có những động thái nhằm can thiệp vào tình hình chính trị của Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 22/1 cho biết, Mỹ đã hủy bỏ thị thực nhập cảnh đã cấp cho một số quan chức Ukraine mà Washington cho là có "liên quan đến việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình". Ở mức độ cao hơn, Mỹ đang cân nhắc áp đặt một số lệnh cấm vận đối với Ukraine nếu chính quyền Tổng thống Yanukovych “thất bại” trong việc bảo vệ “quyền dân chủ” của người dân Ukraine, trong đó có quyền “biểu tình hòa bình”- bà Harf nhấn mạnh.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Chủ tịch EC Barroso cũng “quy kết” chính quyền Ukraine phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo động leo thang, cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ có các biện pháp “đáp trả” tùy theo diễn biến tình hình. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton ra tuyên bố chỉ trích tình trạng bạo động leo thang ở Ukraine, cho rằng việc một số người biểu tình thiệt mạng trong các vụ đụng độ vừa qua là “đặc biệt quan ngại”.
Trong khi đó, Nga cho biết luôn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Ukraine, nhưng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của nước láng giềng. Ngày 23/1, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ đứng ngoài các cuộc biểu tình do phe đối lập tại Ukraine phát động; tin tưởng chính quyền của Tổng thống Yanukovych sẽ tìm được giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Peskov cũng chỉ trích sự can dự của phương Tây, khi nói rằng đại sứ các nước phương Tây đang tự cho mình quyền “yêu cầu” chính quyền Ukraine phải làm gì, triển khai cảnh sát như thế nào... điều mà Nga cho là không thể chấp nhận được.
Hoài Thanh